Thi công hầm đường bộ Cù Mông: Vượt thách thức, nỗ lực về đích đúng tiến độ

Thứ năm, 26/10/2017 15:39

Chính thức khởi công từ cuối tháng 9/2015, đến nay, sau hơn 24 tháng thi công, hầm đường bộ Cù Mông đã hoàn thành hơn 75% khối lượng khoan đào; dự kiến đến cuối tháng 1/2018 sẽ thông hầm. Hiện liên danh các nhà thầu đang tập trung hơn 500 cán bộ, kỹ sư, công nhân chia làm 4 mũi thi công, đảm bảo về đích đúng tiến độ.

Tăng tốc thi công

Cuối tháng 10, thời tiết đã bắt đầu vào mùa mưa nhưng hoạt động thi công trên công trường hầm đường bộ Cù Mông thuộc địa bàn phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) diễn ra rất tích cực. Phía bên trong đường hầm, từng tốp công nhân hối hả làm việc, cùng với tiếng máy khoan, máy hút khí, máy trộn bê tông, máy xúc…, cùng nhau tạo thành bầu không khí lao động khẩn trương, hối hả.

Thi công khoan hầm đường bộ Cù Mông.

Kỹ sư Cao Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án hầm Cù Mông - cho biết: Dự án có chiều dài hơn 6,6 km, trong đó phần đường hầm dài hơn 2,6 km.  Theo tiến độ phê duyệt của Bộ GTVT, dự án bắt đầu thi công từ quý IV/2015, đến cuối tháng 1.2018 sẽ chính thức thông hầm, đến hết quý I/2019 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Từ tháng 5/2016, các nhà thầu bắt đầu đào hầm xuyên núi với 2 ống hầm song song và cùng lúc từ 2 đầu phía Bắc và phía Nam. Công tác đào hầm do Công ty CP Đầu tư xây dựng Hải Thạch, Công ty CP Tập đoàn cầu đường Sài Gòn và một số đơn vị trong liên danh đảm nhận với 4 mũi thi công chính.

Hầm Cù Mông là một hạng mục của Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả do Công ty CP Ðầu tư Ðèo Cả thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư - khai thác- chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao).

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 4.000 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ quý IV/2015 đến quý I/2019. Hầm Cù Mông triển khai trên địa bàn hai tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên; điểm đầu tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (Bình Ðịnh), điểm cuối tại xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu (Phú Yên).

Theo ông Nghĩa, mặc dù trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn do địa chất, khí hậu, nhưng với quyết tâm và nỗ lực của các nhà thầu, tiến độ đào hầm đến nay đã đạt kết quả khả quan. Ở đầu cửa hầm phía Bắc thuộc phường Bùi Thị Xuân, đơn vị thi công đã đào được trên 3.000 m chiều sâu của cả 2 ống hầm. Tính cả 2 đầu Bắc - Nam, tổng chiều dài đào được 4.000 m, còn lại 1.200m nữa là sẽ chính thức thông hầm. Bình quân mỗi tháng, tiến độ đào của mỗi ống hầm từ 100 - 120 m. Với tốc độ đào như hiện nay, dự kiến sẽ chính thức thông hầm Cù Mông vào cuối tháng 1/2018.

Theo đại diện chủ đầu tư, tại công trường có 3 đơn vị đang thi công gồm mũi phía Bắc là liên danh Công ty CP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (CM Việt Nam) và Công ty Hải Thạch; các mũi phía Nam gồm liên danh giữa CM Việt Nam và Công ty Cầu đường Sài Gòn. Tổng cộng có khoảng 500 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang thi công cả 2 mũi Bắc và Nam. Hầu hết cán bộ quản lý, kỹ sư giám sát, công nhân… tại công trường đều là người Việt Nam.
Là nhà thầu chính thực hiện hạng mục khoan hầm Cù Mông, Công ty Hải Thạch đã trang bị 4 máy đào và 4 giàn phun, quạt gió, hệ thống điện... Về công nghệ thi công hầm, liên danh các nhà thầu đang áp dụng công nghệ NATM của Áo.

Phía ngoài công trình hầm đường bộ Cù Mông.

Ông Đỗ Văn Linh, Phó Giám đốc Ban điều hành thi công hầm thuộc Công ty Hải Thạch, cho biết: “Ngoài máy móc hiện đại, Công ty còn thu hút được nhiều kỹ sư có năng lực, kinh nghiệm trong thi công hầm từ các đơn vị đã từng làm hầm Đèo Cả, Hải Vân để thi công hầm Cù Mông. Hiện giai đoạn thi công khó khăn nhất đã qua, việc khoan hầm đã vào guồng để chinh phục tiến độ, tốc độ khoan được đẩy nhanh hơn. Với đà này, liên danh các nhà thầu đảm bảo sẽ hoàn thành vượt tiến độ khoan hầm, đảm bảo chất lượng công trình”.

Đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão

Theo ông Đinh Phú Khánh, Giám đốc Ban An toàn, an ninh & môi trường Dự án hầm Cù Mông, trong thời điểm khu vực Nam Trung bộ đang vào mùa mưa bão, từ đầu tháng 10 đến nay, ngoài việc đảm bảo thi công đúng tiến độ, ưu tiên hàng đầu tại dự án là chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Hầm Cù Mông là một công trình giao thông trọng điểm quốc gia thi công trên địa bàn đồi núi hiểm trở, nên nếu mưa bão lớn xảy ra sẽ dễ gây ra tình trạng sạt lở đá, cây cối đổ rất nguy hiểm. Hơn nữa, địa hình thi công nằm ở độ cao lớn, phương tiện thi công và công nhân chủ yếu làm việc trong hầm, nếu sạt lở núi sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

“Nhận thức được điều đó, ngay từ những ngày đầu tháng 10, đơn vị chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, đề ra các phương án phòng chống và cứu hộ cứu nạn, với mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, hạn chế thấp nhất những rủi ro trong mùa mưa bão. Hàng loạt các biện pháp được đề ra và thực hiện nghiêm túc tại công trình hầm Cù Mông như: gia cố, phun bê tông để kết dính những điểm có khả năng sạt lở; lên phương án vị trí sơ tán người lao động, phương tiện, máy móc thiết bị vào nơi an toàn; nâng cao ý thức người lao động về an toàn lao động; theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó kịp thời mỗi khi có bão, lũ xảy ra”, ông Khánh cho biết.

Nguồn: Báo Bình Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:307515
Lượt truy cập: 176.090.716