Nhiều khu dân cư ở Quảng Ngãi bị chia cắt, nhà vùng lũ Quảng Ngãi bị ngập sâu
trong đợt mưa lũ vào đầu tháng 11 vừa qua. Ảnh: Báo Thanh niên
Công điện nêu rõ: Theo thông tin của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương: Hiện nay, lũ hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) và các sông Quảng Bình, Quảng Trị đang lên; sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Kôn (Bình Định) đang dao động ở mức đỉnh; các sông ở Thừa Thiên Huế dao động theo điều tiết của hồ chứa; các sông khác từ Quảng Ngãi đến bắc Phú Yên và bắc Tây Nguyên đang xuống.
Cảnh báo: Từ chiều và đêm nay (20/11), lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Phú Yên có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh trên, đặc biệt các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên hầu khắp các tỉnh thành trên. Đặc biệt khu vực vùng núi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Hiện nay ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có nhiều hồ chứa xung yếu, nhiều hồ đã đầy nước, lưu lượng về các hồ vẫn tiếp tục được bổ sung, nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa ở khu vực này. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ diễn biến phức tạp, khó lường trong những ngày tới, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
- Chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ sau mưa, lũ, phải giữ được mặt đường êm thuận, khô ráo, các công trình thoát nước luôn thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng. Công tác khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công dưới nước, các công trình ở miền núi hay có lũ quét đột xuất.
- Tiếp tục tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả do mưa, lũ đợt vừa rồi gây ra trên các tuyến quốc lộ. Kiểm tra mức độ hư hỏng tại các bến phà, cầu phao, các khu vực đường xung yếu, các cầu yếu… để kịp thời sửa chữa, khắc phục đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất.
2. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
- Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đọan đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước...
- Chỉ đạo các đơn vị chủ động tập trung vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa, lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, phải đảm bảo an toàn cho người, thiết bị thi công, cho các hạng mục công trình; cần đặc biệt chú ý các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.
3. Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam
- Đôn đốc các đơn vị Quản lý đường thuỷ nội địa kịp thời sửa chữa, bổ sung phao tiêu, biển báo bị hư hỏng do mưa, lũ gây ra; kiểm kê, rà soát phương tiện phục vụ công tác PCTT và TKCN như tàu, thuyền, ca nô, phao, bè, cọc neo, trụ neo và phao neo, đảm bảo sẵn sàng ứng cứu.
- Chỉ đạo các đơn vị tổ chức điều tiết hướng dẫn đảm bảo giao thông, chống va trôi cho các cầu trong và sau mưa, lũ ở những vị trí trọng yếu trên các tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia.
4. Các Sở Giao thông vận tải: Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, Cục Quản lý đường bộ và các đơn vị Quản lý và sữa chữa đường bộ, đường sắt… tiến hành khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông khắc phục hậu quả bước 1 trên các quốc lộ ủy thác và đường địa phương, phối hợp điều hành việc vận tải, tăng bo hành khách và hàng hoá… ngay khi lũ rút.
5. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Bộ Giao thông vận tải theo số Fax: 024.39421242, ĐT: 024.39410235, Mobile: 090.3474737 và Email: banpclb@mt.gov.vn./.