Tăng kết nối hành lang, tạo đột phá vận tải thủy

Thứ ba, 02/01/2018 09:15

Năm qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam đặt nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy dịch vụ vận tải... tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân.

Tuyến sông Hồng qua Hà Nội thuộc trục
hành lang đường thủy Việt Trì - Hải Phòng - Quảng Ninh

Bớt thủ tục với doanh nghiệp

Những thí điểm, ứng dụng mới của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam trong năm 2017 đã tạo thêm sự chuyển biến về chất trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ doanh nghiệp, người dân. Năm 2018, ngành ĐTNĐ sẽ lựa chọn, tập trung khơi dậy lợi thế của một số hành lang đường thủy chính để thúc đẩy kết nối, phát triển vận tải thủy.

Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2017, đường thủy vận chuyển hơn 142 triệu lượt khách, tăng 8,4% so với năm trước; vận tải hàng hóa đạt hơn 205 triệu tấn, tăng 8%. Trong đó, tuyến vận tải ven biển các chặng từ Quảng Ninh - Kiên Giang đạt hơn 21 triệu tấn, tăng hơn 149%.

Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam: Năm qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam đặt nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy dịch vụ vận tải, nên chủ động rà soát, giảm bớt thủ tục liên quan đến vận tải, dịch vụ công để tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân.

Quản lý hạ tầng từ xa

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, hầu hết các phao dẫn luồng, báo hiệu đường thủy trên luồng quốc gia đã được gắn định vị vệ tinh, dùng năng lượng mặt trời. Mới đây, cục đã chính thức áp dụng hình thức quản lý từ xa hệ thống hạ tầng, thu thập dữ liệu vận tải. Hiện, bộ phận chức năng của cục, chi cục chỉ cần theo dõi qua máy tính là nắm bắt được phao dẫn luồng, đèn tín hiệu bị hỏng, thay vì phải đi kiểm tra thủ công như trước kia.

Cụ thể, Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo hệ thống cảng vụ trực thuộc nỗ lực triển khai thí điểm cấp phép cho phương tiện thủy từ xa qua tin nhắn điện thoại, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí so với phương thức thủ công. Sau hơn một năm triển khai, đến nay đã có hơn 11.300 tàu thuyền đăng ký làm thủ tục vào, rời bến qua tin nhắn.

Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực I cho biết, nhận thấy lợi ích nên doanh nghiệp, thuyền viên ngày càng đồng thuận với hình thức nhắn tin để làm thủ tục vào, rời cảng. “Thời gian đầu, các cảng vụ viên phải xuống từng tàu để vận động, soạn tin mẫu để các thuyền viên làm quen. Nhiều thuyền viên đã quen, đồng thuận phương thức quản lý mới này”, ông Dũng cho biết.

Tương tự, việc thí điểm lưu toàn bộ hồ sơ và chỉ cấp phép một lần cho tàu du lịch khi rời, vào cảng bến đang được áp dụng tại Cần Thơ, Hòa Bình đã giúp giảm chi phí cho hơn gần 50.00 lượt phương tiện, được doanh nghiệp tích cực hưởng ứng. Ông Cao Tấn Quân, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV cho biết, nhiều doanh nghiệp tại phía Nam kiến nghị sớm mở rộng địa bàn thí điểm và áp dụng hình thức cấp phép một lần đối với cả phương tiện chở hàng hóa.

Khơi dậy tiềm năng trục vận tải

Từ phía người làm vận tải, ông Trương Minh Tiến, chủ hộ kinh doanh vận tải Năm Tiên (chuyên vận tải gỗ dăm, than... tuyến Quảng Ninh - Thái Nguyên) nhận xét, hầu hết các luồng đường thủy chính đã thuận lợi cho phương tiện thủy cỡ lớn lưu thông, thủ tục vận tải đơn giản, nhanh chóng. “Đường thủy có thể đảm nhận được nhiều hàng hơn nữa nhưng chưa nằm trong “mắt xích” với vận chuyển bằng ô tô chặng ngắn nên hàng hóa chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là vật liệu xây dựng, nguyên liệu thô”, ông Tiến cho biết.

Theo Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, đường thủy hiện mới đạt gần 18% tổng thị phần vận tải hàng hóa của toàn ngành GTVT. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018 của ngành ĐTNĐ là tập trung các giải pháp thúc đẩy vận tải, tạo kết nối tốt hơn với hàng hải, đường bộ, đường sắt để nâng thị phần vận tải thủy. Ông Giang cũng cho biết, do kết nối chưa tốt nên lợi thế giá rẻ của vận tải thủy chỉ phát huy được trên luồng đường thủy, còn khi đến cảng, bến này đến cảng bến kia, còn lại chi phí trung chuyển từ nguồn hàng xuống tàu và từ tàu lên bờ, đến điểm cuối lại nhiều nên lợi thế bị mất đi.

Đề cập đến giải pháp, ông Giang cho biết: “Năm 2018, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tập trung các giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải trục hành lang số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh) ở phía Bắc và trục số 2 (TP HCM - Cần Thơ - biên giới Campuchia) ở phía Nam theo phương châm thuận lợi nhất về hạ tầng, cơ chế để tạo đột phá vận tải”. Trong đó, các giải pháp sẽ được đưa ra như tối ưu hóa hạ tầng để phục vụ vận tải (tăng phao dẫn luồng, ứng dụng công nghệ thông báo luồng thực tế, lắp radar cảnh báo điểm đen...), chuẩn hóa cảng, bến và tạo kết nối thuận tiện với vận tải đường bộ, tạo liên kết trung chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục liên quan đến đường thủy, dịch vụ công để phù hợp với từng loại hình vận tải thủy, vùng miền.

 

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:125865
Lượt truy cập: 176.837.165