Những cây cầu mong ước từ bao đời nay

Thứ tư, 03/01/2018 10:22

Hàng trăm cây cầu dân sinh sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Mậu Tuất 2018; hàng chục cây cầu khác cũng đang được các đơn vị thi công thi đua, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ...

Ông Nguyễn Văn Huyện kiểm tra cầu Tân Tây - cầu dân sinh vốn WB đầu tiên
trong cả nước hoàn thành, đưa vào khai thác ở tỉnh Quảng Nam

Vỡ òa niềm vui cầu mới

Những ngày cuối năm, cụ Hồ Thị Phương (87 tuổi, làng Tân Tây) phấn khởi chống gậy đi qua cây cầu dân sinh Tân Tây có chiều dài gần 200m, rộng 3m, trọng tải 7,6 tấn, bắc qua sông Bà Rén thuộc thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) để thăm người cháu sinh sống bên kia sông. Cười móm mém, cụ Phương bảo, trước kia chưa có cầu bê tông vững chắc như thế này, chỉ có cháu nội sang thăm cụ, còn cụ không biết cháu ăn ở thế nào: “Từ khi có cầu, mơ ước bao đời nay của người dân nơi đây đã thành hiện thực. Giờ có phải nhắm mắt tôi cũng an lòng vì đã thấy con cháu đi lại dễ dàng, an toàn. Từ nay, có cân gạo, con gà cũng không phải cảnh vòng vo làng này qua làng khác để ra chợ”.

"Để vừa đảm bảo chất lượng cũng như đẩy nhanh tiến độ thi công, ngay trong quá trình thí nghiệm công trình đã được giám sát, quản lý chặt với sự tham gia của chủ đầu tư; ngoài ra, hàng ngày có sự giám sát của đơn vị tư vấn. Ban cũng ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào công tác giám sát nhằm tiết kiệm thời gian và công đi lại giữa các bên. Khối lượng, chất lượng, tiến độ hay mọi sự điều chỉnh cũng được giám sát qua hệ thống công nghệ hình ảnh trực tiếp."

Ông Nguyễn Trọng Long
Phó Giám đốc Điều hành Dự án Lramp Nghệ An, Ban QLDA4

Giữa tháng 11/2017, công trình cầu dân sinh Tân Tây - cây cầu thuộc Dự án vốn WB (Ngân hàng Thế giới) đầu tiên trong cả nước hoàn thành ở tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành sau gần nửa năm thi công (khởi công tháng 4/2017), vượt tiến độ 1 tháng.

Hơn chục năm nay, người dân thôn Tân Tây hàng năm đều chung sức làm cầu tre tạm bợ để đi lại. Hàng ngày, bên làng Tân Tây có gần 200 lượt người là nông dân, công dân, học sinh… phải qua lại đôi bờ sông để sản xuất, lao động, học tập…Do là cầu tre tạm bợ, nên việc đi lại rất khó khăn, việc thông thương hết sức hạn chế, cầu hay hư hỏng, thường xuyên phải sửa chữa và nguy cơ mất ATGT, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Thời điểm này, tại các công trình xây dựng cầu dân sinh, như: Cầu Khe Trổ (xã Nghi Công Bắc), cầu Khe Nứa (Nghi Kiều), cống Trọt Gác (Nghi Công Nam), cống Khe Troong (Nghi Công Nam) (thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An); cầu Khe Mương (Đại Thành), cầu Làng Hồ (Thịnh Thành)… (thuộc huyện Yên Thành, Nghệ An) không khí lao động cũng nhộn nhịp, hăng say hơn bao giờ hết. Những người thợ, những guồng máy làm việc hết công suất, không biết mệt mỏi để sớm hoàn thành những công trình, đưa những cây cầu mới vào sử dụng để bà con vui xuân đón Tết.

Theo tính toán của các đơn vị thi công và đơn vị quản lý, trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có gần 100 cầu dân sinh xây dựng từ nguồn vốn WB được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước xuân Mậu Tuất 2018. Trong đó, Nghệ An có 26/32 cầu; Hà Tĩnh có 20/30 cầu; Quảng Bình 6/8 cầu.

Huy động toàn bộ nhân lực, vật lực

Đầu tháng 12/2017, phóng viên có mặt tại cầu dân sinh Khe Trổ (thuộc địa bàn xóm 1, xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Cầu chính thức được triển khai vào ngày 16/10/2017, có kết cấu phần trên gồm 2 nhịp x12m, tổng chiều dài cầu 31,09m; phần dưới: Hai mố cầu bằng bê tông cốt thép f’c=25Mpa, bệ mố được đặt trên lớp địa chất sét pha màu xám trắng, trạng thái nửa cứng; trụ cầu bằng bê tông cốt thép f’c=25Mpa dạng trụ tròn đường kính 1,2m, bệ trụ được đặt trên lớp địa chất là đá phiến sét màu xám xanh, phong hóa nứt nẻ… theo hợp đồng, công trình sẽ hoàn thành sau 5 tháng thi công.

Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng đi vào triển khai, đến nay công trình đã hoàn thành phần mố, thân mố, chỉ chờ nắng ráo nữa là gác dầm và hoàn thành. Dự kiến vượt tiến độ 1 tháng.

Ông Phạm Thanh Niên, Bí thư xóm 1 ngày nào đi làm về cũng dừng chân, đứng ngắm cây cầu trong mơ đang dần hình thành từng ngày với ánh mắt, khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Ông Niên kể, cầu cũ gọi là có cầu, thực chất người ta lấy ở ngoài cầu Cấm (Nghi Yên, Nghi Lộc) 2 tấm sắt về lót dưới rồi bỏ lên trên mấy tấm bê tông đúc sẵn cho người dân đi tạm. “Dân nơi đây phải đi tạm qua cây cầu chông chênh ấy đã ngót 40 - 50 năm rồi. Bình thường người đi bộ phải khó khăn lắm mới qua được, còn xe cộ, trâu bò, máy móc muốn ra ruộng thì chịu. Hàng trăm ha ruộng, hơn 400ha rừng, trang trại của hơn 1.000 nhân khẩu xóm 1 và 30 hộ ở làng chài đều phải đi qua cây cầu này. Cầu hư hỏng xuống cấp, đi lại rất nguy hiểm. Từ ngày được Nhà nước đầu tư, xây dựng cầu mới, mong ước của người dân là cầu sớm hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Niên phấn khởi.

Như hiểu được mong mỏi bấy lâu của người dân, ông Đinh Văn Hải, Phó giám đốc Công ty CP Xây lắp Giang Sơn - đơn vị thi công chia sẻ: Khi mới bắt tay vào thi công, từ mặt bằng, sức người, vật liệu… người dân đều nhiệt tình giúp đỡ đơn vị. Đáp lại tấm chân tình đó, đơn vị đang dốc hết toàn bộ nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, sớm đưa cây cầu vào phục vụ nhân dân.

Ở “mặt trận” Quảng Bình, không khí “về đích sớm” cũng được các đơn vị thi công, quản lý triển khai tích cực hơn bao giờ hết. “Các công trình triển khai đúng vào mùa mưa, gặp nhiều khó khăn về thời tiết (bão số 10, 11, 12; lũ...) Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 4 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, tăng cường nhân lực, vật tư thiết bị triển khai nhiều mũi thi công đồng thời tăng ca/kíp để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thiện cầu đáp ứng niềm mong mỏi của bà con xung quanh khu vực xây dựng cầu”, ông Phạm Vũ Dũng, Giám đốc Điều hành Dự án LRAMP Quảng Bình, Ban QLDA 4 chia sẻ.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:64359
Lượt truy cập: 176.819.294