QL9 oằn mình vì xe quá tải

Thứ tư, 20/05/2009 13:24
QL9 có chiều dài khoảng 90km là huyết mạch giao thông từ đồng bằng lên miền Tây Quảng Trị; từ trong nước đi qua các nước Lào, Thái Lan và ngược trở lại. Thời gian qua, do xe có trọng tải lớn vận chuyển các mặt hàng như đá thạch cao, gỗ các loại từ Lào nhập khẩu vào nội địa Việt Nam làm cho tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng.
QL9 có chiều dài khoảng 90km là huyết mạch giao thông từ đồng bằng lên miền Tây Quảng Trị; từ trong nước đi qua các nước Lào, Thái Lan và ngược trở lại.  Thời gian qua, do xe có trọng tải lớn vận chuyển các mặt hàng như đá thạch cao, gỗ các loại từ Lào nhập khẩu vào nội địa Việt Nam làm cho tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng.
 
Theo Chi cục Hải quan Lao Bảo, phần lớn các xe chở hàng nặng đều rơi vào tình trạng quá tải. Một cán bộ Chi cục đã rút ngẫu nhiên một tờ khai hàng gỗ nhập khẩu trong tập hồ sơ kê khai bảng chi tiết gỗ xẻ vào ngày 13/9/2008, cho thấy có hơn 10 xe chở gỗ, với tổng khối lượng trên 572m3 các loại, bình quân mỗi xe chở trên 50m3. Theo tính toán thì 1m3 gỗ có trọng lượng từ 1 - 1,4 tấn, như vậy là mỗi xe chở gỗ có trọng lượng trên 50 tấn trong khi đó, trên QL9, trọng  tải về cầu đường chỉ cho phép chở 30 tấn/xe.  
 
Việc xe chở quá trọng tải lưu hành có "truyền thống" từ Lào về đã làm cho tuyến QL9 nhanh chóng xuống cấp. Tuyến đường này đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp với hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, đến năm 2006 toàn tuyến đã hoàn thành và được đưa vào khai thác. Vậy mà chỉ chưa đầy 2 năm, QL9 đã bị xuống cấp nặng, nhiều đoạn mặt đường phần lớn đã bị rạn nứt, đáng chú ý là có một số đoạn nửa phần đường tính từ Lao Bảo về Đông Hà bị lún và thấp hơn nửa phần đường còn lại, làm cho mặt đường bị nghiêng. Chính yếu tố này đã góp phần làm cho QL9 vốn  hiểm trở đèo, dốc nay càng nguy hiểm hơn. Đã có không ít vụ TNGT xảy ra trên đoạn quốc lộ này, gây tổn thất nặng nề về người và của.  
 
Ông Lê Ngọc Quản - Đội trưởng Đội Thanh tra đường bộ II.05 (Ban Thanh tra đường bộ II) đóng tại Km 15, QL9 cho biết: Từ năm 1996 đến tháng 10/2003, có Trạm cân trọng tải xe vận chuyển hàng hóa hoạt động thì tình trạng xe chở quá tải được ngăn chặn đáng kể. Thế nhưng từ năm 2003 đến nay, Trạm cân không hoạt động, với lý do là để sửa chữa, thì công tác xử lý xe chở quá tải trên tuyến QL9 đối với Đội gần như bị tuột khỏi tầm tay.  
 
Ông Lê Ngọc Quản giải thích thêm: Do quy định của pháp luật, Đội TTGT không được phép dừng xe khi đang chạy, chỉ có thẩm quyền xử lý ở các điểm giao thông tĩnh, bến xe,  bến phà (lúc xe đang đỗ), muốn dừng phương tiện để kiểm tra  phải phối hợp với CSGT, chính vì vậy nên đã hạn chế rất đáng kể công tác kiểm tra, xử lý xe chở quá khổ, quá tải khi đang chạy trên đường.  
 
Ông Quản kể: Khi phát hiện đích thực xe chở quá tải đang chạy trên đường, nhưng chúng tôi chỉ biết đứng nhìn mà không làm gì được, có chăng chỉ những vụ khi nắm trước được nguồn tin cụ thể mới có phương án phối hợp với CSGT để xử lý. Những lần phối hợp với CSGT xử lý một số vụ xe chở quá tải đều cho thấy, tỷ lệ chở quá tải so với thiết kế của xe và so với trọng tải quy định cầu đường trên tuyến đều vi phạm nghiêm trọng luật giao thông.  
 
Đơn cử như vụ bắt 6 xe chở gỗ tại Km 59 trong tháng 2/2008; 5 xe tại Km 24 vào tháng 6/2008 và 5 xe tại Km 57 trong tháng 10/2008. Qua kiểm tra, xe chở ít cũng đến 70 tấn, xe chở nhiều  80 tấn, bình quân mỗi xe chở quá tải 200% so với thiết kế tải trọng cầu đường, và vượt 300% so với thiết kế của phương tiện. Nhưng con số trên chỉ là "muối bỏ bể" so với số lượng xe chở quá tải chưa xử lý trên QL9.  
 
Một bất cập khác, đó là việc kiểm tra và xử lý hạ tải và chuyển tải, luật quy định Đội thanh tra chỉ có thẩm quyền kiểm tra trong phạm vi bán kính không quá 20km về 2 phía Tây và Đông so với địa điểm của trạm cân. Lợi dụng quy định này, khi trạm cân còn hoạt động các phương tiện chở quá tải đã thực hiện việc hạ tải và chuyển tải ngoài bán kính nói trên để tránh sự kiểm tra của Đội...                 
BD
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:53772
Lượt truy cập: 181.545.791