Đó là thông tin do ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Giải pháp cho ngành hàng không Việt Nam vượt qua khủng hoảng” được tổ chức tại Hà Nội ngày 20/5/2009.
Theo đó, từ nay đến năm 2015 ngành hàng không Việt Nam (HKVN) sẽ chỉ tập trung khai thác phát triển 5 hãng hàng không hiện có là Vietnam Airlines, Jestar Pacific, VietJet Air, Indochina Airlines và Mekong Airlines. Giải thích về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh cho rằng, chỉ với 5 hãng hiện có nhưng HKVN vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn không thể tháo gỡ trong tương lai gần, ít nhất là đến năm 2015.
Jestar Pacific Airlines
Khó khăn lớn nhất là HKVN đang thiếu trầm trọng về nhân lực. Hiện Vietnam Airlines phải sử dụng 30% phi công nước ngoài, Indochina Airlines là 100%, Jestar là 99%. Do VN chưa có trường đào tạo phi công dân dụng nên 100% phi công VN phải đào tạo ở nước ngoài với chi phí lên tới 130.000 USD/người. Hiện các trường đại học, chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng mới chỉ đảm nhận được việc giáo dục đại cương, cơ bản chứ không đào tạo ra được các chuyên gia hàng không giỏi.
Chính vì vậy, thời gian gần đây đã xảy ra tình trạng lôi kéo, tranh giành nhân lực giữa các hãng HK, đặc biệt là nhân lực quản lý, kỹ thuật. Các hãng hàng không đang phải đưa ra những chính sách đãi ngộ linh hoạt để thu hút và giữ chân nhân tài với mức lương có thể lên tới vài chục triệu đồng/tháng.
Việc không cấp giấy phép cho các hãng hàng không mới còn giúp cho các hãng hàng không hiện có giảm áp lực do sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Hiện các hãng hàng không Việt Nam đều để máy bay đậu lại qua đêm tại 2 sân bay trung tâm là Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Năng lực chỗ đậu qua đêm của 2 sân bay này đến 2015 cũng mới chỉ đạt 92 chỗ trong khi theo kế hoạch, đến năm 2015, VN sẽ có đội bay 149 chiếc. Đó là chưa kể các dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay trong nước cũng còn rất hạn chế.
ĐT (theo SGGP)