Bàn về tố cáo nặc danh và xử lý tố cáo nặc danh

Thứ ba, 05/06/2018 09:03

Tố cáo nặc danh là một hiện tượng tồn tại khách quan nhưng việc xử lý loại tố cáo này luôn là vấn đề gây tranh luận, đặc biệt là mỗi khi thảo luận về các đạo luật liên quan đến tố cáo và giải quyết tố cáo.

Kể từ khi có Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991, các văn bản quy phạm pháp luật luôn quy định người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, coi đó như một điều kiện để tố cáo được tiếp nhận và thụ lý. Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ quan Nhà nước thường nhận được không ít đơn thư tố cáo mà hình thức của nó không đúng như quy định. Khái niệm “đơn tố cáo nặc danh” là để dùng chung cho các loại đơn không xác định được người tố cáo. Nó có thể bao gồm: Đơn không có tên người tố cáo, đơn có tên nhưng tên giả, không có thật, đơn mang tên người khác (mạo danh) hoặc đơn có tên nhưng lại không có địa chỉ hoặc địa chỉ không rõ ràng… Tóm lại tất cả các loại đơn tố cáo mà không xác định được ai là người tố cáo thì thường được gọi chung là “đơn nặc danh”.

Về cơ bản thì có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc người tố cáo muốn giấu tên. Một là, người tố cáo lo sợ việc mình có thể bị trả thù trù dập nên mặc dù rất muốn thông tin cho Nhà nước hành vi mà họ cho là vi phạm pháp luật để Nhà nước ngăn chặn và xử lý nhưng họ buộc phải giấu tên. Nhiều cuộc khảo sát được thực hiện cho thấy tỷ lệ người dân sẵn sàng tố cáo là không cao mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do lo sợ bị trả thù. Theo báo cáo của tổ chức Minh bạch quốc tế (năm 2013): “Chỉ có 38% số người Việt Nam được khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng” và một trong những lý do quan trọng là: “Tôi sợ phải chịu hậu quả”(1). Hai là, người tố cáo với dụng ý không tốt muốn đưa tin thất thiệt, thậm chí bịa dặt ra những thông tin và bằng chứng giả mạo để vu cáo, vu khống người khác, có thể do thù hận cá nhân mà muốn triệt hạ người khác, cũng có thể vì mục đích tư lợi, nhất là trong việc tranh giành vị trí, chức vụ. Điều này giải thích cho hiện tượng tố cáo nặc danh thường tăng nhanh trong các dịp bầu cử, đại hội, sắp xếp nhân sự trong các cơ quan, tổ chức. Vì biết việc cố tình tố cáo là việc làm phi pháp nên người tố cáo đã chủ động giấu tên để tránh bị xử lý.

Ảnh minh họa 

Quy định của pháp luật về xử lý tố cáo nặc danh

Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo được quy định trong hai văn bản pháp luật chủ yếu là pháp luật về khiếu nại, tố cáo (Pháp lệnh về khiếu nại, tố cáo của công dân 1991, Luật Khiếu nại, tố cáo 1998, được sửa đổi bổ sung vào các năm 2004 và 2005), Luật Tố cáo và pháp luật Phòng, chống tham nhũng (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007 và 2012).

Nhìn lại quá trình phát triển của pháp luật Việt Nam có thể thấy việc xử lý tố cáo nặc danh luôn là vấn đề khó khăn, gây nhiều tranh luận và trên thực tế thì chưa khi nào đạt đến sự nhất trí để quy định trong văn bản pháp luật cao nhất (Pháp lệnh hoặc Luật) mà chỉ được quy định có tính chất hướng dẫn trong các Nghị định của Chính phủ. Qua đó có thể thấy sự lúng túng trong quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết tố cáo nặc danh. Mặc dù vậy, trên thực tế, không ít tố cáo, nhất là tố cáo tội phạm và tố cáo về tham nhũng nặc danh vẫn được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quan tâm thụ lý giải quyết(2).

Qua thực tiễn thi hành pháp luật cũng như quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tố cáo và các ý kiến thảo luận, có thể thấy việc xử lý đối với tố cáo nặc danh về cơ bản có hai luồng ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần quy định không xử lý đơn thư tố cáo nặc danh. Những người có ý kiến này lo ngại về tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ uy tín danh dự, nhân phẩm người khác, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo hoặc lo ngại vì tình trạng quá tải cho các cơ quan Nhà nước nếu quy định việc giải quyết mọi đơn thư tố cáo, kể cả đơn thư nặc danh.

Chính phủ cho rằng, những năm qua, cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó gần 60% là tố cáo sai. Do đó, nếu Luật quy định cả việc giải quyết tố cáo nặc danh nữa, sẽ gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì sẽ không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng mặc dù không quy định xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng cần cân nhắc trong những trường hợp cụ thể. Ví dụ: Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với quy định của Dự thảo Luật, song đề nghị cần cân nhắc có quy định với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có hồ sơ, chứng cứ rõ ràng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Về nguyên tắc, đơn mạo danh thì không xử lý nhưng với đơn mạo danh, nặc danh có hồ sơ, chứng cứ tương đối rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà trong các tài liệu đó có nêu, giống như các thông tin phản ánh về vi phạm(3).

Thảo luận về Luật Tố cáo (sửa đổi) tại phiên họp tổ của Quốc hội chiều 29 tháng 5 năm 2017, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng cho hay, không nên phân biệt giữa tố cáo bằng văn bản, tố cáo trực tiếp với tố cáo bằng fax, e-mail, điện thoại, vì xét về bản chất thì thông tin tố cáo mới là quan trọng nhất. Ngoài ra, không thể viện dẫn số liệu đúng, sai về thông tin tố cáo đã giải quyết để biện lý cho việc loại bỏ hình thức tố cáo nặc danh. Mặt khác, người tố cáo lựa chọn hình thức nặc danh do lo ngại bị trả thù, bị trù dập, bị bức hại... Điều đó cũng cho thấy cơ chế bảo vệ pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh để bảo đảm quyền tố cáo của họ. Đại biểu Lê Thanh Vân cũng lưu ý thêm, tố cáo nặc danh chỉ có giá trị khi có đủ 1 trong 3 yếu tố: Thông tin tố cáo có những chi tiết chặt chẽ, có cơ sở về logic; phản ánh đúng sự thật, có liên quan trực tiếp đến người bị tố cáo; có chứng cứ tin cậy để khẳng định tố cáo đúng sự thật(4). Do đó, khi đơn thư tố cáo nặc danh có đầy đủ căn cứ để xem xét giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 85-QĐ/TW quy định về kiểm tra, giám sát kê khai tài sản cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã có quy định một trong những căn cứ của kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản là: Khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai không trung thực. Quy định này cho thấy tinh thần trách nhiệm rất cao của Đảng và Nhà nước thể hiện qua việc lắng nghe và trân trọng đối với mọi thông tin tốt, có căn cứ để phục vụ cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng vốn là lĩnh vực cực kỳ phức tạp và khó khăn(5). Thực tế cho thấy một số cuộc thanh tra, kiểm tra về những vấn đề liên quan đến tài sản cán bộ, công chức vừa qua xuất phát từ những thông tin, phản ánh từ người dân và báo chí mà không nhất thiết phải có tố cáo với hình thức đầy đủ như quy định của pháp luật hiện hành.

Cần nói thêm rằng Điều 13, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia và phê chuẩn quy định: Mỗi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp thích hợp đảm bảo công chúng biết đến các cơ quan chống tham nhũng nêu trong Công ước này và phải cho phép tiếp cận với các cơ quan này khi thích hợp để công chúng có thể thông báo, kể cả dưới hình thức nặc danh, về bất kỳ sự kiện nào có thể được coi là cấu thành một tội phạm được quy định theo Công ước này. Đây là quy định mà chúng ta phải tôn trọng với tư cách là một nước thành viên. Thêm nữa, bản thân Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định về tố giác (thực chất là một loại tố cáo) và tin báo tội phạm không có quy định dứt khoát phải có danh tính mới được xem xét và xử lý.

Có thể khẳng định rằng việc ghi nhận trách nhiệm buộc phải xem xét hay bác bỏ hoàn toàn việc xem xét tố cáo nặc danh đều là thiếu căn cứ xác đáng. Do vậy, cần quy định mềm mại và linh hoạt đối với loại tố cáo này trong từng trường hợp cụ thể. Những quy định trong các văn bản dưới luật từ trước đến nay về cơ bản là hợp lý và thể hiện tinh thần này. Tuy nhiên theo chúng tôi cần bổ sung trách nhiệm xử lý của các cơ quan khi nhận được tố cáo nặc danh. Cụ thể như sau: Nếu đơn tố cáo không ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì Thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xem xét, xử lý đơn tố cáo đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Điều đó có nghĩa rằng việc xử lý đơn tố cáo nặc danh hoàn toàn do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ vào chất lượng các thông tin và bằng chứng mà người tố cáo đưa ra. Với những tố cáo không có thông tin rõ ràng, thiếu bằng chứng thuyết phục thì có thể không xem xét nhưng những tố cáo dù không rõ người tố cáo mà có thông tin tốt, bằng chứng cụ thể thì cần phải xem xét, xử lý đề ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý người có hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và công dân./.

TS. Đinh Văn Minh

Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra

 

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Tổ chức Hướng tới sự minh bạch (2013), Phong vũ biểu toàn cần năm 2012- Quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam

(2) Viện Khoa học thanh tra (2010), Đề tài khoa học “Cơ chế bảo vệ người tố cáo”

(3) http://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/xem-xet-xu-ly-don-to-cao-nac-danh-co-kem-chung-cu-ro-rang-601124.vov

(4)http://www.yiflix.com/video-download/ 

(5) Lưu ý rằng “viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên” theo quy định số 47-QÐ/TW ngày 28/2/2012 là một trong những điều đảng viên không được làm.

Nguồn: Tạp chí Thanh tra

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:160807
Lượt truy cập: 176.175.177