Theo Kết luận, thực hiện Quyết định số 644/QĐ-BGTVT ngày 02/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, từ ngày 16/4/2018 đến ngày 25/5/2018, Đoàn thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ tại Sở GTVT và 41/113 đơn vị trên địa bàn 04 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận.
Tại các cơ sở đào tạo lái xe (CSĐTLX), Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra các nội dung: Cơ sở pháp lý để hoạt động; Hệ thống phòng học chuyên môn;Sân, xe tập lái; đội ngũ giáo viên dạy lái xe; Công tác tuyển sinh, đào tạo, giáo vụ; Việc tổ chức thực hiện thu học phí đào tạo.
Đoàn cũng đã tiến hành thanh tra cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất, kỹ thuật tại các trung tâm sát hạch lái xe (TTSHLX).Tại các Sở GTVT, Đoàn đã thanh tra việc triển khai các văn bản về quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; Công tác quản lý đào tạo lái xe; Công tác quản lý sát hạch, cấp, đổi GPLX.
Đánh giá về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Kết luận nhận định, các Sở GTVT: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Ninh Thuận đã thực hiện công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ bản đáp ứng quy định, thể hiện ở các nội dung như: Đã quan tâm triển khai thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; đã thực hiện công tác cấp giấy phép đào tạo lái xe, chấp thuận phương án hoạt động đào tạo lái xe, quản lý lưu lượng đào tạo, quản lý xe tập lái, giáo viên dạy thực hành lái xe, tổ chức sát hạch, cấp GPLX và thực hiện một số nội dung khác trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ bản theo quy định. Các CSĐTLX, TTSHLX được thanh tra đã quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định; công tác đào tạo, sát hạch lái xe được các đơn vị triển khai thực hiện đáp ứng nhu cầu về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tại địa phương. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra cho thấy, các CSĐTLX và TTSHLX được thanh tra còn có tồn tại, thiếu sót, đặc biệt là công tác đào tạo, giáo vụ của các CSĐTLX; công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Sở GTVT còn một số hạn chế, nhất là Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh.
Theo Kết luận, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở, cá nhân theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP; Điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ô tô của một số cơ sở đào tạo phù hợp với số lượng giáo viên dạy thực hành lái xe hiện có của đơn vị; Tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan về tồn tại, sai sót trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rút kinh nghiệm về các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Ngoài ra Bộ GTVT cũng yêu cầu các Sở GTVT trên tăng cường kiểm tra các khóa đào tạo lái xe, giám kỳ thi cấp chứng chỉ lái xe ô tô, đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra các lớp, khóa đào tạo lái xe theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT để phát hiện tồn tại, thiếu sót trong công tác đào tạo, giáo vụ của các CSĐTLX nhằm kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các CSĐTLX, TTSHLX được thanh tra thực hiện các kiến nghị của Đoàn thanh tra Bộ GTVT được nêu trong biên bản thanh tra tại các đơn vị. Báo cáo Bộ GTVT (qua Thanh tra Bộ) kết quả thực hiện Kết luận này (bao gồm cả tổng hợp kết quả thực hiện của các CSĐTLX, TTSHLX) trước 15/7/2018.
Kết luận cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe tổ chức khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót trong công tác tuyển sinh, đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ và thực hiện các yêu cầu của Đoàn thanh tra Bộ GTVT được nêu trong biên bản thanh tra tại đơn vị.
Lê Đức