Ninh Bình ngăn chặn việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến TTATGT

Thứ tư, 20/06/2018 10:08

Hiện nay, đang vào mùa thu hoạch lúa, ở nhiều nơi các gia đình mang lúa gặt lên lề đường quốc lộ để tuốt lấy thóc mang về, phơi khô rơm rồi châm lửa đốt luôn tại chỗ. Hầu hết người dân đều biết việc mình đốt rơm rạ ở những thửa ruộng ven đường, đốt ở lề đường là ảnh hưởng tới các phương tiện tham gia giao thông, nhưng do thói quen nên họ vẫn làm. Mặt khác, việc làm của họ không bị nhắc nhở xử lý nên cứ tới mùa gặt là người dân lại đốt rơm rạ và khói từ việc đốt rơm, rạ lại mịt mùng bủa vây đường giao thông.

Ảnh minh họa

Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông, mà còn tạo bụi, hơi nóng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có thời điểm sau vụ thu hoạch lúa, nhiều thành phố, thị trấn bị khói bụi bủa vây, gây ra hiện tượng khói mù, khét, khó thở.

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tăng cường các giải pháp ngăn ngừa tình trạng người dân đốt rơm rạ ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.

 Thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh Ninh Bình, Ban an toàn giao thông tỉnh Ninh Bình cũng đã có văn bản gửi các sở, ngành và địa phương để chỉ đạo tăng cường các giải pháp ngăn ngừa tình trạng người dân đốt rơm, rạ ven đường  ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuần tra, theo dõi, ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm, rạ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến Quốc lộ, đường bộ có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao.

Ban an toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan tuyên truyền, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm, rạ trên và dọc các tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh gây mất an toàn giao thông.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên quan đến hành vi đốt rơm, rạ trên các tuyến đường giao thông.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình tăng cường nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuyên truyền về hậu quả của việc đốt rơm, rạ đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT để phổ biến đến đông đảo nhân dân.

Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng chức năng của Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, theo dõi, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đốt rơm, rạ trên các tuyến giao thông.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Đài truyền thanh 2 cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ đến các đối tượng tham gia giao thông và nhân dân với hình thức phù hợp; chú trọng tuyên truyền để nhân dân không đốt rơm, rạ trên các tuyến đường bộ gây mất an toàn giao thông. ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn lao động tỉnh trển khai các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT, không đốt rơm, rạ trên các tuyến đường gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:263476
Lượt truy cập: 177.998.976