Theo đó, ngày 29/8/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Kết luận thanh tra số 9699/KL-BGTVT về công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bào vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn các tinh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Tây Ninh, cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang gồm các Trung tâm có mã số: 1401D, 1402D, 1403D, 1701S, 1702D, 2001S, 2002S, 2003D, 3402D, 3601S, 3602S, 3603D, 4901S, 4902S, 4903S, 6501S, 6502S, 6502D, 6701S, 6702S, 7001S, 7002S, 7003D, 7301S, 7302D, 7303D, 7401S, 7402S, 7602D, 8301V, 8302D, 8801S, 8802D nội dung tập trung gồm: Các điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về nhân lực của đơn vị đăng kiểm; Công tác quản lý, sử dụng, bố trí đăng kiểm viên, đăng kiểm viên tập sự, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; Thực hiện nội dung kiểm định xe cơ giới đường bộ (lập hồ sơ phương tiện; kiểm định, đánh giá xe cơ giới; cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định...); Công tác nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, cấp Giấy chứng nhận cải tạo; Thực hiện chế độ báo cáo, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm định, công khai các nội dung theo quy định.
Qua thanh tra, Đoàn thanh tra nhận thấy các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được thanh tra đã cơ bản chấp hành quy định của pháp luật về kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thể hiện ở một số nội dung chính như: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị, dây chuyền kiểm định, duy trì điều kiện hoạt động của thiết bị kiểm định theo quy định; Bố trí số lượng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định cơ bản đáp ứng so với số lượng dây chuyền kiểm định; các đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định có đủ các tiêu chuẩn, các đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra phương tiện cơ bản theo quy định. Phân công đăng kiểm viên và các đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ kiểm định cơ bản theo nhiệm vụ được phân công; Tổ chức hoạt động kiểm định, nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT xe cơ giới cải tạo, lưu trữ hồ sơ kiểm định cơ bản theo quy định. Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm, kết quả đạt được nêu trên, một số Trung tâm đăng kiểm còn có một số tồn tại, hạn chế trong: Điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị đăng kiểm; Điều kiện, tiêu chuẩn và quản lý, sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; Thực hiện nội dung kiểm định xe cơ giới; Công tác nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; Thực hiện chế độ báo cáo; lưu trữ hồ sơ, dữ liệu kiểm đinh; công khai trong hoạt động kiểm định.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định đối với 07 đăng kiểm viên do không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 63/2016/NĐ-CP; Không công nhận kết quả thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới của 06 đăng kiểm viên thực tập do không thực tập kiểm tra phương tiện theo quy định; Nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Thông tư số 42/2012/TT-BGTVT, Thông tư số 51/2016/TT-BGTVT.
Đối với đơn vị chủ quản của đơn vị đăng kiểm, Bộ yêu cầu các đơn vị chủ quản này ban hành văn bản cảnh cáo cácTrung tâm Đăng kiểm xe cơ giới không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát quá trình kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 42/2012/TT-BGTVT ngày 16/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tổ chức khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót trong công tác kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã được nêu cụ thể trong Biên bản thanh tra giữa Đoàn thanh tra Bộ GTVT với từng Trung tâm đăng kiểm.
Các đơn vị trên có trách nhiệm báo cáo, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của Bộ GTVT về cuộc thanh tra này theo quy định của pháp luật về thanh tra./.
DT