BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
***************
THÔNG TIN BÁO CHÍ
Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019
A. TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2018
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH VÀ PHỐI HỢP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ CỦA NGÀNH GTVT
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Ngành đã kịp thời, quyết liệt triển khai thực hiện hơn 4.000 văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã cụ thể hóa các Nghị quyết bằng các chương trình hành động và hướng dẫn, tổ chức thực hiện trong toàn Ngành. Ban Cán sự đảng Bộ đã ban hành 24 nghị quyết, kết luận; Bộ đã ban hành 08 chỉ thị, 65 công điện, gần 3.000 quyết định, 700 thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ và trên 15.000 văn bản chỉ đạo, điều hành, phối hợp giải quyết công việc. Đã tiếp nhận, kịp thời xử lý, giải quyết gần 54.000 văn bản đến từ các ban, bộ, ngành của trung ương và các địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
2. Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan liên quan
Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ của Ngành.
Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, các chủ trương lớn, Bộ luôn chủ động tổ chức lấy ý kiến góp ý, cũng như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ để tiếp nhận ý kiến tham gia của Nhân dân. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động điều chỉnh, bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt một số quy hoạch trong lĩnh vực GTVT để phù hợp với thực tế và định hướng, chiến lược phát triển chung. Đã ký và triển khai Chương trình hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động GTVT giai đoạn 2018 - 2021; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhất là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin truyền thông... đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong triển khai đầu tư phát triển, quản lý KCHTGT, quản lý vận tải, bảo đảm TTATGT, phòng, chống và khắc phục các thiệt hại do bão, lũ gây ra...
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU NĂM 2018
1. Về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án: Đã hoàn thành 100% chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GTVT, cụ thể: phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật liên quan đến Quy hoạch; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 15 văn bản QPPL và 04 đề án; ban hành theo thẩm quyền 60 thông tư và phê duyệt 04 đề án.
2. Công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân, nhất là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết. Sản lượng vận tải năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh, ước đạt 1.634 triệu tấn hàng, tăng 10%; đạt 4.641 triệu lượt hành khách, tăng 10,7% so với năm 2017; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 306 tỷ tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 207 tỷ lượt HK.km; tăng 7,6% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyển hành khách so với năm 2017. Chỉ số năng lực quốc gia về logistics năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra (tăng 25 bậc so với năm 2016), tất cả 6 tiêu chí đánh giá đều tăng vượt bậc so với năm 2016
3. Về công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông: Đã kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các đợt cao điểm, các dịp nghỉ Lễ, Tết. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT được triển khai tích cực. Công tác thẩm tra, thẩm định ATGT trước khi đưa công trình vào khai thác được thực hiện chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm ATGT đường thủy nội địa được cải thiện; năng lực giám sát an ninh, an toàn hàng không được nâng lên; công tác quản lý, cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt được tăng cường... Công tác KSTTX tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương duy trì. Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông tiếp tục được chú trọng, tuy nhiên, đã xảy ra 107 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 20 vụ ( tăng 23%) so với năm 2017. Năm 2018, cả nước xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, làm bị thương 14.802 người. So với năm 2017, giảm 1.348 vụ (giảm 6,71%), giảm 33 người chết (giảm 0,4%), giảm 2.238 người bị thương (giảm 13,13%).
4. Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác KCHTGT:
Công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án tiếp tục được triển khai chặt chẽ, quyết liệt. Hoàn thành, đưa vào khai thác 27dự án, khởi công mới 16 dự án.
Bộ đã ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 1058/QĐ-BGTVT ngày 22/4/2010 về giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban QLDA trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Công tác chuẩn bị các dự án trọng điểm của Ngành như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, CHKQT Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam... được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, cơ bản bám sát lộ trình, kế hoạch đề ra.
Bộ đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân; tuy nhiên, dự kiến các nguồn vốn giải ngân năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngoài NSNN sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch, tương đương với số vốn giải ngân là 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn NSNN và TPCP dự kiến giải ngân 23.785 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch.
Về quyết toán các dự án hoàn thành: các chủ đầu tư, Ban QLDA đã lập, trình quyết toán 39 dự án vốn NSNN với giá trị là 26.812 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch cả năm và 07 dự án BOT; các cơ quan, đơn vị đã thẩm tra, phê duyệt 82 dự án với giá trị phê duyệt là 54.151 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch của năm. Đối với các dự án BOT, BT, đến nay, Bộ đã chấp thuận quyết toán được 62 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Công tác rà soát, xử lý các bất cập tại các dự án BOT tiếp tục được thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; đã đàm phán, phối hợp các bên liên quan dừng triển khai 13 dự án BOT cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Tích cực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng.
Bảo trì KCHTGT trên tất cả các lĩnh vực được triển khai kịp thời, bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Công tác xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ để đảm bảo ATGT được quan tâm thực hiện, đến nay đã xử lý 139 điểm đen, 76 điểm tiềm ẩn và 107 điểm nhỏ lẻ gây mất ATGT. Đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Tổng số thu phí sử dụng đường bộ năm 2018 ước đạt 8.035 tỷ đồng, vượt thu 1.085 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm 2018.
5. Về công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước: Việc rà soát, xử lý các tồn tại trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định. Đã tiếp tục tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa các Tổng công ty theo đúng lộ trình. Đã thực hiện chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 05 doanh nghiệp thuộc Bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định.
6. Công tác tổ chức, cán bộ và cải cách hành chính (CCHC): Bộ đã ban hành các Quyết định: quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng; Quy chế thí điểm thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; quy định tổ chức và hoạt động của các Ban QLDA thuộc Bộ. Tập trung xây dựng kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XII. Đã kịp thời ban hành và triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; rà soát, cắt giảm danh mục sản phẩm hàng hóa. Hoàn thành xây dựng và cung cấp toàn bộ 75 TTHC của Bộ tham gia Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, đạt 100% kế hoạch ngay trong năm 2018. Đã ban hành và triển khai thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT phiên bản 1.0.
Với sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành GTVT đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, kế hoạch năm 2018. Trong đó, có một số kết quả nổi bật đạt được, cụ thể như sau: Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT; Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ được tăng cường, chỉ đạo xuyên suốt, nhất là các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. Do đó, Bộ đã hoàn thành toàn bộ các kế hoạch, chương trình của năm 2018, đóng góp vào hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Số người chết vì TNGT năm 2018 vẫn còn cao, chỉ giảm 0,4% so với năm 2017, không đảm bảo chỉ tiêu giảm từ 5-10%; ùn tắc giao thông kéo dài tăng so với năm 2017. Tỉ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công không đạt kế hoạch được giao; dự kiến cả năm 2018 nguồn vốn NSNN và TPCP chỉ giải ngân đạt trên 90% kế hoạch. Một số dự án quan trọng như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Vàm Cống... đang phải tập trung xử lý các tồn tại, hạn chế về chất lượng, tiến độ; một số tuyến quốc lộ trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên... bị hư hỏng sau bão lũ, đang phải tập trung khắc phục. Việc lập, trình quyết toán của một số chủ đầu tư, Ban QLDA vẫn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển KCHTGT vẫn còn khó khăn. Việc cung cấp thông tin, truyền thông của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa kịp thời, để xảy ra một số điểm nóng dư luận.
B. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2019
I. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Vận tải: Phấn đấu tăng trưởng bình quân từ 8 - 9 % về tấn hàng hóa và lượt hành khách so với năm 2018.
2. Kế hoạch đầu tư phát triển: Hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2019 với số vốn dự kiến giải ngân là 28.912 tỷ đồng.
3. Bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông: Thực hiện năm ATGT 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết tâm giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2019
(1) Hoàn thành lập, trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Hàng không dân dụng. Tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng 07 dự thảo văn bản QPPL và 06 đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành 27 thông tư và 11 đề án.
(2) Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng KHCN vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân.
(3) Tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Phối hợp các Bộ, ngành triển khai công tác giảm chi phí Logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
(4) Tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp các hiệp hội vận tải, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội chủ hàng để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
(5) Nâng cao điều kiện ATGT đối với KCHTGT; xử lý hiệu quả các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, các vị trí đường ngang đường sắt; thực hiện đồng bộ công tác thẩm định, thẩm tra ATGT, bảo vệ KCHTGT. Phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, bảo đảm TTATGT.
(6) Tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện hiệu quả “Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020” của ngành GTVT. Kịp thời chỉ đạo triển khai ứng phó với bão, lũ và nhanh chóng bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
(7) Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các lĩnh vực GTVT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phù hợp với Luật Quy hoạch. Hoàn thành xây dựng, trình phê duyệt các đề án kết nối mạng giao thông các khu vực để sớm triển khai thực hiện.
(8) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đã có nguồn vốn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án quan trọng của ngành; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; triển khai dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, dự án CHKQT Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất bảo đảm kế hoạch đề ra. Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
(9) Tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác GPMB và triển khai thi công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình.
(10) Kịp thời xử lý có hiệu quả các vướng mắc, tồn tại trong quá trình thu phí hoàn vốn các dự án BOT. Đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
(11) Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác KCHTGT. Thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung toàn bộ hiện trạng KCHTGT thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT và các địa phương. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ hành lang đường bộ, đường sắt; các tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa... Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực.
(12) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tiếp tục hoàn thiện báo cáo kết quả tái cơ cấu và phương hướng, giải pháp cơ cấu lại SBIC. Tiếp tục xử lý các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát, xử lý các vấn đề tồn tại, vướng mắc cần tiếp tục giải quyết sau khi chuyển giao 05 Tổng công ty thuộc Bộ về Ủy ban theo quy định.Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
(13) Đăng cai tổ chức và chủ trì thành công các Hội nghị Quan chức cấp cao GTVT ASEAN (STOM) lần thứ 47, 48 và Hội nghị Bộ trưởng GTVT ASEAN (ATM) lần thứ 25, Diễn đàn liên Chính phủ về GTVT bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12, Diễn đàn Tìm kiếm cứu nạn ASEAN... Đẩy mạnh kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các dự án phát triển KCHTGT tại Việt Nam, đặc biệt là mô hình PPP.
(14) Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới. Tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, quản lý nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành.
(15) Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động của Bộ về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các chương trình, kế hoạch về môi trường GTVT giai đoạn 2016-2020.
(16) Tiếp tục tổ chức sắp xếp lại một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy theo đề án, phương án được duyệt. Hoàn thành xây dựng Đề án chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có đủ năng lực đảm nhiệm một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà các cơ quan hành chính nhà nước không nhất thiết phải thực hiện trong lĩnh vực GTVT. Tổ chức thực hiện Kế hoạch CCHC của Bộ; kiểm soát TTHC, đơn giản hóa các TTHC nói chung, trong đó có các TTHC nội bộ có hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công, xây dựng Chính phủ điện tử.
(17) Tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(18) Chú trọng công tác thông tin, truyền thông về các hoạt động của ngành; chủ động, kịp thời, công khai, minh bạch thông tin với báo chí và xã hội. Chủ động theo dõi những vấn đề dư luận xã hội và cử tri quan tâm; chủ động giải trình, kịp thời giải quyết, trả lời có hiệu quả các kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội.
Bộ Giao thông vận tải
Hà Nội, ngày 11/01/2019