Bến Tre: Đồng loạt khởi công xây dựng giao thông nông thôn ngày 17/1

Thứ tư, 16/01/2019 09:10

Ông Cao Minh Đức - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre cho biết: “Đến thời điểm này, 16 công trình (nằm trong danh mục công trình triển khai khởi công phần mặt đường vào ngày 17/1/2019) đã chuẩn bị sẵn sàng để khởi công”.

Xây dựng giao thông nông thôn ở xã Phước Hiệp

Tinh thần “Đồng khởi”

Không khí xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) nhộn nhịp ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam khiến lòng người thấy nôn nao chờ cảnh đổi mới. Tuyến đường ĐX.01 dài khoảng 1,5km (tổng kinh phí xây dựng khoảng 1,5 tỷ đồng) là tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào trụ sở UBND và trung tâm chợ xã Phước Hiệp.

Dọc theo tuyến đường, hình ảnh, âm thanh xây dựng công trình ồn ào náo nhiệt. Ngay trước trụ sở UBND, một thân cây bàng to được cưa ngã, cành cây xanh um choáng hết mặt đường, tiếng máy cưa vang lên liên hồi. Cách đó vài chục mét, xe lu đang lu lèn cát, xe cẩu đang bốc dỡ mấy thân dừa vừa được đốn nằm rạp bên đường. Cũng trên đoạn đường ĐX.01 xã Phước Hiệp, hướng ra Huyện lộ 22, từng lượt xe máy, xe tải len lách qua chiếc Kobe đang móc đất mở rộng mặt đường, nền đường sẽ rộng đến 7m. Khói bụi mịt mù ấy vậy mà bà con cứ túa ra xem cảnh làm đường.

Xây dựng GTNT là điều mà Đảng bộ và nhân dân xã Phước Hiệp ước ao bấy lâu. “Chúng tôi đã chịu nhiều thiệt thòi so với các xã bạn lân cận vì giao thông lạc hậu. Vì đường đi lại khó khăn mà bán heo thì mỗi tạ người dân xã này mất gần 100 ngàn đồng so với heo ở Định Thủy. Bán dừa thì mỗi chục mất 10 ngàn đồng so với dừa ở Định Thủy, cứ mỗi năm bán bao nhiêu lần dừa thì thua bấy nhiêu, người dân rất xót xa”, Bí thư kiêm Trưởng ấp An Khánh 1 Chữ Văn Phong và Trưởng ấp An Thới Lê Minh Nhật chia sẻ.

Trong khi hai mặt hàng nông sản chính của người dân Phước Hiệp là heo và dừa thì heo giá bất ổn, dừa giá xuống thấp nhưng người dân xã Phước Hiệp vẫn “móc tiền để dành” ra đóng góp cho xã làm nền hạ đường ĐX.01. Sau khi lấy ý kiến người dân, HĐND xã Phước Hiệp thống nhất mức thu 200 ngàn đồng/công đất. Ấp An Khánh 1 tuy nằm giáp huyện lộ 22, đường nhựa dễ đi nhưng người dân vẫn nhiệt tình đóng góp, chỉ trong thời gian mươi ngày đã thu được 25% số hộ với khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, có 4 hộ lúc đầu không đồng tình vì cho rằng “tuyến đường này thuộc thẩm quyền trên xây dựng” nên họ không góp, nhưng khi được vận động, họ hiểu chủ trương xây dựng GTNT và tuyến đường huyết mạch dẫn vào trụ sở UBND xã thì 4 hộ này đều đồng tình.

Bí thư kiêm trưởng ấp An Khánh 1 Chữ Văn Phong cho biết: “4 hộ trong ấp không đồng tình từ ban đầu, nay đã tự nguyện đóng góp. 2 hộ đóng tất, mỗi hộ gần 3 triệu đồng, 2 hộ còn lại đóng trước 50%. Điều đáng xúc động là những hộ đó không nằm trên tuyến đường đang xây dựng, họ sống dựa vào trái dừa, mà trái dừa hiện không được giá, họ lại phải nuôi con ăn học, tôi nghĩ họ đã đóng góp bằng tiền dành dụm, điều này làm tôi thấy xúc động”.

Phấn đấu vươn lên

UBND xã Phước Hiệp đã phát đi thư mời dự lễ khởi công đường về trung tâm xã ĐX.01 vào ngày 17/1/2019. Trước đó, Phước Hiệp được đánh giá là nền hạ sẽ không kịp tiến độ cho khởi công ngày 17/1. Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Giếng nói: “Ban đầu chúng tôi tính làm từ phía huyện lộ 22 vào, theo cách này thì kinh phí và sức huy động là rất lớn vì phải móc mương, bồi mương mở rộng mặt đường và như thế không đủ thời gian để làm nền hạ tuyến ĐX.01. Được sự chỉ đạo sát sao của huyện ủy với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, chúng tôi đổi hướng làm từ trung tâm chợ xã ngược ra. Theo cách này thì dễ hơn vì đoạn đường hiện hữu đã có sẵn chỉ làm nền cao lên…”.

Hóa ra cách làm này hiệu quả “không tưởng”, chỉ chưa đầy một tuần khởi công, mà tiến độ nhanh chớp nhoáng, người dân thấy vậy hồ hởi hưởng ứng, cây hạ rạp đường, tiền đóng nhanh, đóng đủ đến bất ngờ như hộ bà Phan Thị Hồng, Phạm Thị Ngời.

Trong 3 xã được xem là “cái nôi” của cuộc Đồng khởi thì Phước Hiệp hiện đang là xã “trẻo” nhất, GTNT chậm phát triển nhất so với xã Định Thủy và Bình Khánh (gồm Bình Khánh Tây và Bình Khánh Đông ngày nay). Từ thị trấn Mỏ Cày nếu đi theo Huyện lộ 22, qua xã Định Thủy vòng về Phước Hiệp phải đến 7km, còn đi đường tắt từ thị trấn Mỏ Cày trên quốc lộ 57 rẽ trái vào Đa Phước Hội qua cầu dây (cầu dài 82m) đến thẳng xã Phước Hiệp chỉ khoảng 3,5km. Mặc dù cây cầu dây gập ghềnh khó đi nhưng nhiều người vẫn thích đi vì đường gần.

Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Giếng  chia sẻ: “Quan điểm của tôi xuyên suốt xưa nay vẫn là ưu tiên số 1 cho phát triển giao thông”. Cũng với quan điểm đó, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp đã vận động xây dựng hơn 50 cầu nông thôn trong thời gian qua. Ông cho rằng sự đóng góp của người dân trong xây dựng GTNT là chủ yếu và hỗ trợ của mạnh thường quân là quan trọng đối với xã có đến 50% số hộ là gia đình chính sách.

Hiện 7 huyện: Mỏ Cày Nam, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Châu Thành đã có tờ trình gửi Sở Giao thông vận tải về việc xin hỗ trợ kinh phí xây dựng phần mặt đường bê-tông xi-măng 16 công trình khởi công nhân dịp 59 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi 17/1/2019. Theo đó, Sở Giao thông vận tải đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến tổng mức đầu tư 16 công trình là 28,2 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh hỗ trợ vật liệu để xây dựng phần mặt đường, bao gồm lớp móng cấp phối đá dăm và lớp bê-tông xi măng; chi phí chuẩn bị và quản lý thực hiện dự án.  

Nguồn: Báo Đồng khởi

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:138281
Lượt truy cập: 176.840.587