Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7/2017, Bộ GTVT đã ký kết 02 văn kiện gồm: Ý định thư hợp tác trong lĩnh vực vận tải thuỷ về hàng hải, cảng và thuỷ nội địa với Nhóm đối tác hàng hải Chương trình PIB của Chính phủ Hà Lan và Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo với tập đoàn STC. Sau đó ngày 06/02/2018, Cục ĐTNĐ VN đại diện Nhóm vận tải thuỷ Việt Nam đã ký kết Biên bản Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, cảng và thuỷ nội địa với Nhóm các đối tác Chương trình Kinh doanh quốc tế (PIB) do Chính phủ Hà Lan bảo trợ. Ngày 3/10/2018, Chính phủ Hà Lan đã phê duyệt bản Cam kết Chương trình hợp tác cụ thể do Nhóm WINWAP Hà Lan để trình để thực hiện bản Thoả thuận đã ký. Thành viên phía Hà Lan gồm 09 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải và Bộ Ngoại giao Hà Lan, Bộ Kết cấu hạ tầng và quản lý nước Hà Lan, Cục Doanh nghiệp Hà Lan và một số cơ sở đào tạo, trường Đại học lớn do STC Nestra thuộc Tập đoàn STC là cơ quan đầu mối. Thành viên phía Việt Nam gồm Cục ĐTNĐ VN, Cục Hàng hải VN, Trường ĐH Hàng hải và Tổng công ty Hàng hải VN cùng với một số các trường đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải, vận tải thuỷ.
Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo
Ông Hoàng Hồng Giang nhấn mạnh: Năm 2019 là năm đầu tiên chúng ta hiện thực hoá hợp tác giữa hai bên bằng các nghiên cứu cụ thể. Thông qua việc triển khai các hợp tác cụ thể G2G và K2K để có thể tích hợp phương pháp vận tải đường thuỷ của Hà Lan với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức hoạt động tốt, góp phần tăng trưởng kinh tế vùng và có thể áp dụng ra toàn quốc.
Hội thảo là kết quả đầu tiên của hợp tác Việt Nam - Hà Lan, cũng là dịp để các nhà quản lý, các doanh nghiệp của hai nước trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm với mục tiêu thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa và hàng hải nhằm phát triển ngành vận tải thuỷ theo hướng hiện đại, bền vững phù hợp với chiến lược tái cơ cấu ngành GTVT nhằm góp phần đảm bảo TTATGT, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, phát huy lợi thế địa phương và tạo ra thị trường vận tải mới với giá cước hợp lý.
Cục trưởng Cục ĐTNĐ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi các nội dung về việc chia sẻ thông tin về pháp chế, thể chế, tổ chức quản lý, tài chính; đào tạo và tăng cường năng lực, công nghệ cảng và sông thông minh; cơ sở hạ tầng, chính trị và nạo vét; thiết kế tàu; cảng; logistics; chuỗi cung ứng và vận tải; trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy phát triển vận tải thuỷ của Vương quốc Hà Lan và quốc tế; thảo luận các giải pháp tăng cường cơ hội hợp tác, thúc đẩy đầu tư lĩnh vực đường thuỷ và hàng hải... từ đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải thuỷ nội địa.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe Báo cáo tổng quan về Chương trình hợp tác quốc tế trong 02 năm của Việt Nam - Hà Lan về “Hợp tác Hàng hải và Đường thủy nội địa” do bà Sandra van Putten- Giám đốc Chương trình hợp tác trình bày. Theo đó, những kinh nghiệm thực tế trong phát triển các Hành lang vận tải thủy nội địa đã được chia sẻ nhằm làm xuất phát điểm để tham khảo phục vụ phát triển sau này của ngành hàng hải và đường thủy ở Việt Nam. Một số nội dung được đặc biệt nhấn mạnh gồm: Phát triển đường sông thông minh và Cảng thông minh; Cảng biển và Khu đầu mối logistics; Thiết kế tàu và phát triển tàu thông minh; Tài chính, pháp lý và quản lý; Cơ sở hạ tầng, chỉnh trị và nạo vét; Đào tạo và Chuyển giao kiến thức về Chuỗi vận tải Logistics; Chuỗi cung ứng và vận tải. Viễn cảnh về phát triển hạ tầng đường thủy bền vững, dựa vào các quá trình tự nhiên, là việc tích hợp các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ và cải thiện môi trường, lợi ích kinh tế và mục tiêu xã hội…
Ông Joost Lanse trình bày về Tuyến hành lang Đường thủy nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ
Tiếp theo chương trình, ông Joost Lanse đã trình bày về Tuyến hành lang Đường thủy nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Theo đó, 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với dân số khoảng 19,6 triệu người, có 57 tuyến đường thủy nội địa và 3.988 kênh nhỏ với tổng chiều dài là 14.826 km. Hiện có 1.404 cảng và điểm tiếp nhận nhưng chỉ có 171 cảng có thể thông qua 10,000 tấn/năm. Thành phố Hồ Chí Minh có một nền kinh tế mạnh vì vậy một hệ thống giao thông đa phương thức bền vững từ Đồng bằng Sông Cửu Long đến các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Kênh Chợ Gạo được coi là yếu tố chính trong mạng lưới vận tải, đối mặt với những thách thức điển hình về kết nối, có thể áp dụng được cho các dự án khác. Ông Joost Lanse nhấn mạnh, việc kết hợp các cảng và các tuyến đường thủy sẽ tăng cường khả năng kết nối. Để tiếp nhận được tàu trọng tải 2.000 DWT, kênh Chợ Gạo cần được nâng cấp lên trọng tải của tuyến đường thủy cấp II, khắc phục những hạn chế về tắc nghẽn do chưa khai thác được hết khả năng, chưa tiếp cận được các tàu lớn, thường xảy ra tai nạn giao thông, có thời gian dừng khai thác do ảnh hưởng thủy triều...
Các nhóm tham gia bàn tròn thảo luận tại Hội thảo
Để kết nối hiệu quả Đồng bằng Sông Cửu Long và Kênh Chợ Gạo, cần có nguồn vốn để duy trì và đầu tư vào đường thủy và các cảng cạn; thu phí mà không làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của vận tải thủy nội địa; áp dụng các hệ thống mới để quản lý luồng và thu phí thông qua ICT, Cảng Thông Minh và Đường Sông Thông Minh. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa các tàu để tăng khả năng cạnh tranh với vận tải đường bộ; các cảng sông là điểm kết nối giữa cảng biển và vận tải xà lan, container cùng với thách thức về mặt kỹ thuật như nạo vét liên tục, bờ lênh không ổn định, nút thắt trên tuyến... đều là những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu. Có thể khẳng định, Kênh Chợ Gạo là một ví dụ điển hình về các thách thức chủ đạo trong vận tải thủy nội địa khu vực phía Nam.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận bàn tròn cùng nhau trong 7 chủ đề: Tài chính, pháp lý và quản lý; Đào tạo và Chuyển giao kiến thức về Chuỗi vận tải Logistics; Phát triển Đường sông thông minh và Cảng thông minh; Cơ sở hạ tầng, chỉnh trị và nạo vét; Thiết kế tàu và phát triển tàu thông minh; Cảng biển và Khu đầu mối logistics; Chuỗi cung ứng và vận tải. Sau phiên thảo luận hết sức sôi nổi, các nhóm đã lần lượt trình bày những phân tích và ý tưởng hết sức thiết thực về các giải pháp cải thiện hành lang vận tải đường thủy nội địa từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ./.
KC