Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 70 điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt; trong đó, có 28 đường ngang hợp pháp, 12 đường ngang phòng vệ bằng biển báo và 42 lối đi tự mở. Triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác kiểm tra, rà soát hiện trạng các lối đi tự mở trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh. Qua đó, tổ chức xóa bỏ 16 lối đi tự mở trái phép. Phối hợp với các đơn vị đường sắt thi công sửa chữa 8 đường ngang bị hư hỏng; nâng cấp, cải tạo 5 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành rào chắn tự động tại những vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tại các huyện có tuyến đường sắt đi qua; đồng thời, cùng với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy tắc giao thông khi qua đường sắt.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình tai nạn giao thông đường sắt có chiều hướng giảm. Qua thống kê năm 2018, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 7 vụ tai nạn, làm chết 4 người, bị thương 6 người, so với năm 2017 giảm 2 vụ, số người chết giảm 4 người. Trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh không xảy ra tai nạn đường sắt.
Đoàn kiểm tra vị trí điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt
tại khu vực Ga Hòa Trinh, xã Phước Nam (Thuận Nam).
Nhằm đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh kiến nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm triển khai thực hiện việc cắm mốc chỉ giới đường sắt theo Luật Đường sắt; ngành chức năng và chính quyền địa phương tập trung rà soát, bổ sung các biển báo hiệu, vạch dừng, giờ giảm tốc tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong phạm vi quản lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện tốt quy chế phối hợp, cơ bản đảm bảo trật tự giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn. Đồng chí đề nghị Ban ATGT các huyện, đơn vị đường sắt tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành ATGT đường sắt đến người dân; hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp đầy đủ trang thiết bị tại các điểm chốt gác và nhân viên cảnh giới, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp lấn chiếm hành lang đường sắt; thường xuyên kiểm tra vị trí nguy hiểm, điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông, có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.
* Trước đó, Đoàn đã đến kiểm tra vị trí các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt ở huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam.