Theo Văn bản, qua việc kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực GTVT tại Thanh tra Sở GTVT các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang cho thấy, các đơn vị được kiểm tra đã có cố gắng trong hoạt động thanh tra, kiềm tra chuyên ngành và xử phạt VPHC, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT, bảo đảm TTATGT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Các đơn vị đã cơ bản được kiện toàn tổ chức theo quy định tại Nghị định số 57/2013/NĐ-CP; tổ chức triển khai các văn bản, chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT trong công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTVT; tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra cơ bản theo quy định, có chất lượng; đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTVT; đã chú trọng xây dựng hệ thống các quy chế, quy định nội bộ nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ, phòng chống tiêu cực trong đơn vị...
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt VPHC của một số đơn vị được kiểm tra còn có tồn tại, hạn chế, thể hiện ở một số nội dung chính như: Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm nội dung chưa bao quát các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở GTVT; nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra chưa cụ thể, rõ ràng; thời gian ban hành, điều chỉnh kế hoạch chưa đúng quy định; xây dựng các cuộc thanh tra theo đoàn còn hạn chế; Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra theo đoàn, lưu trữ hồ sơ đoàn thanh tra chưa thực hiện đầy đủ theo quy định; chưa thực hiện hình thức công khai kết luận thanh tra ngoài hình thức họp công khai; Công tác xử phạt VPHC còn có một số trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về xử lý VPHC.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành và xử phạt VPHC của Thanh tra các Sở GTVT nói chung, Thanh tra các Sở GTVT được kiểm tra nói riêng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT, Bộ GTVT đề nghị các Sở GTVT tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, bảo đảm đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt VPHC của lực lượng Thanh tra GTVT tại địa phương; xác định đúng vị trí pháp lý, tổ chức, hoạt động của Thanh tra Sở GTVT theo quỵ định pháp luật về thanh tra (Thanh tra Sở là cơ quan Thanh tra Nhà nước, có con dấu, tài khoản riêng); Chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành hàng năm đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ GTVT, nội dung thanh tra trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở GTVT; Chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT, Thanh tra Bộ GTVT trong tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thành thùng xe tải tự đổ, về xe “dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng chạy như tuyến cố định, xe hợp đồng điện tử..
Đối với Thanh tra Bộ GTVT, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản nghiệp vụ chuyên ngành có liên quan, trong đó tập trung tập huấn công tác xử phạt VPHC cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu và trực tiếp làm công tác xử phạt VPHC; Tiếp tục tăng cường thanh tra thực hiện pháp luật về thanh tra; kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành và xử phạt VPHC đối với lực lượng Thanh tra ngành GTVT; Chuyển các kiến nghị, đề xuất của Thanh tra các Sở GTVT cho Vụ An toàn giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; Theo thẩm quyền tham mưu xử lý các kiến nghị khác của Thanh tra các Sở GTVT đúng quy định; Theo dõi kết quả thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT theo nội dung Vãn bản này.
DT