Bình Dương: Cần các giải pháp quyết liệt để hạn chế ùn tắc giao thông

Thứ hai, 12/08/2019 09:34

Tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vừa qua, đại diện một số địa phương cho biết tình hình giao thông đang có dấu hiệu quá tải do lượng xe tăng nhanh, trong khi đó hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông có nơi chưa đáp ứng được tốc độ phát triển.

Kẹt xe kéo dài trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, một số tài xế cho xe leo lên lề chạy khiến tình hình càng thêm phức tạp

Lượng xe tăng nhanh

Đại diện Ban ATGT TP.Thủ Dầu Một cho biết tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn được kiềm chế, tuy nhiên tình trạng ùn tắc giao thông thì vẫn còn phức tạp. Nguyên nhân là do lượng xe qua địa bàn tăng nhanh, tình trạng các tài xế cố tình vượt ở các giao lộ khi đèn ở đây bị hỏng gây ùn tắc cục bộ. Đại diện Ban ATGT TP.Thủ Dầu Một cũng cho rằng tình trạng đèn tín hiệu ở các giao lộ thường xuyên bị hư hỏng cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT trên địa bàn.

Trong khi đó đại diện Ban ATGT TX.Dĩ An cho biết thống kê mới nhất dân số ở TX.Dĩ An hơn 470.000 người. Dân số đông, sự phát triển kinh tế nhanh kéo theo áp lực về ATGT, đặc biệt là ở một số tuyến trọng điểm như nút giao lộ Sóng Thần, quốc lộ 1K. Ban ATGT TX.Dĩ An nêu kiến nghị các cơ quan, ban ngành cần có giải pháp bảo đảm giao thông ở cầu vượt Sóng Thần; nạo vét, mở rộng khẩu độ cống ở đường ĐT743 qua địa bàn để tránh tình trạng ngập đường...

Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hiện nay tổng số xe mô tô cơ quan chức năng tỉnh đang quản lý là hơn 1,2 triệu xe; xe ô tô là hơn 135.000 xe. Tính trung bình với dân cư hiện nay ở Bình Dương thì 2 người sở hữu 1 xe máy, chưa tính ô tô. Đó là chưa kể đến lượng ô tô chở hàng hóa qua địa bàn hiện đang tăng nhanh. Đây chính là áp lực rất lớn đến tình hình giao thông ở Bình Dương.

Nói về thực trạng ATGT trong tỉnh, đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho rằng nếu các cơ quan, ban ngành không nỗ lực từ thời điểm này thì tới đây hệ thống hạ tầng giao thông Bình Dương sẽ quá tải. Đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm. Theo đại tá Võ Văn Phúc, tình hình TNGT ở Bình Dương hiện ở mức cao so với cả nước. Tính ra mỗi tháng có khoảng 20 người chết, thiệt hại về người, tài sản ở Bình Dương vì TNGT là nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông tăng so với cùng kỳ.

Hệ thống hạ tầng giao thông trước nguy cơ quá tải

Dẫn chứng cho việc Bình Dương đang đứng trước nguy cơ tiềm ẩn ùn tắc, TNGT tăng, đại tá Phúc cho biết qua khảo sát tại một Cảng IDC, trong 6 tháng đầu năm nay lượng xe chở hàng hóa khoảng 500.000 lượt, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018. Một số trạm thu phí lượng xe qua cũng tăng cao. Trong khi đó một số tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa bị ùn tắc giao thông là vấn đề khó tránh khỏi. “Công an Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp để kéo giảm TNGT, ùn tắc giao thông nhưng hệ thống bảo đảm ATGT còn nhiều bất cập, hư hỏng quá nhiều, đặc biệt là hệ thống đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, hệ thống biển báo... Đây không chỉ đơn thuần là chuyện kẹt xe mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của tài xế, cố vượt đèn khi không có lực lượng chức năng đứng chốt”, đại tá Phúc nhấn mạnh.

Theo đại tá Võ Văn Phúc, trật tự ATGT đang đối mặt thách thức nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 2-3 năm tới, nếu hệ thống giao thông không cải thiện thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình ATGT. Hiện Công an tỉnh triển khai nhiều giải pháp, chuyên đề tập trung chống ùn tắc ở các giao lộ trọng điểm. Trong vòng 1 tháng ra quân, lực lượng đã lập biên bản hơn 2.000 trường hợp vi phạm. Trong đó chủ yếu các lỗi vượt đèn đỏ, chạy sai đường, lấn tuyến. Có 424 ô tô vi phạm, trong đó có 239 xe ô tô đầu kéo. Song song đó, Công an tỉnh cũng đang triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự đô thị ở các điểm nóng. Tập trung nâng cao năng lực của cán bộ, chiến sĩ khi tham gia; thái độ ứng xử, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ.

Đại diện Công an tỉnh kiến nghị các chủ đầu tư BOT quan tâm củng cố, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông liên quan đến ATGT. Hệ thống đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, hệ thống biển báo khi hư hỏng cần sửa chữa kịp thời; siết chặt quản lý nhà nước về ATGT, đặc biệt là tại các cảng IDC, kho container. Tránh tình trạng xe container đậu dài đường gây ảnh hưởng giao thông; tăng cường công tác kiểm định. Các địa phương thực hiện có hiệu quả kế hoạch lập lại trật tự đô thị nhằm bảo đảm trật tự mỹ quan, ATGT. Trước mắt chọn các khu vực, địa bàn trọng điểm để triển khai...

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết nhằm kéo giảm, phòng chống ùn tắc giao thông, UBND tỉnh đã có chủ trương gắn camera giám sát giao thông ở các tuyến đường trọng điểm. Vận động người dân hạn chế xe cá nhân, ưu tiên dùng xe công cộng. Sở cũng đã có văn bản gửi các chủ đầu tư yêu cầu xem xét những đề xuất của địa phương trong vấn đề hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng công tác kiểm định, đào tạo cấp giấy phép lái xe. Đối với các kiến nghị của các địa phương về việc nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường, ông Luận cho biết UBND tỉnh đã có chủ trương, kế hoạch và sớm thực hiện trong thời gian tới.

6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 54 vụ ùn tắc giao thông. Trong đó có 18 vụ ùn tắc do tai nạn giao thông, 34 vụ do lưu lượng phương tiện tăng cao vào giờ cao điểm, 2 vụ do ngập nước. Theo thống kê địa phương có số vụ cao nhất là TX.Thuận An với 33 vụ, trên các tuyến Quốc lộ 13 và ĐT754. Kế đến là TP.Thủ Dầu Một với 21 vụ. Các địa điểm xảy ra ùn tắc là Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh đã xảy ra 731 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 777 người, hư hỏng 1.311 phương tiện. Mặc dù số vụ TNGT trên địa bàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) nhưng số vụ TNGT rất nghiêm trọng lại tăng cao, đã xảy ra 8 vụ, làm chết 10 người, 2 người bị thương, tăng 6 vụ so với cùng kỳ.

Nguồn: Báo Bình Dương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:85826
Lượt truy cập: 176.824.118