Chiếc tàu SAR mới dự kiến sẽ chịu được sóng, gió cấp 9 có khoang chứa tới 200 tấn nhiên liệu,
giúp lực lượng cứu nạn có thể hoạt động trên biển trong 15 ngày liên tục - Ảnh minh họa
Liên quan đến tiến độ của dự án đóng mới tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn (TKCN) hoạt động xa bờ trên vùng biển Việt Nam, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, hiện dự án đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn. Bộ GTVT phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư, đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư dự án. Cục Hàng hải đã lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm tra dự án.
“Đến nay, nhà thầu tư vấn lập dự án đã báo cáo lần 2 về thiết kế cơ sở dự án, đơn vị tư vấn thẩm tra đã thẩm tra và nộp hồ sơ thiết kế cơ sở kèm báo cáo thẩm tra dự án. Cục Hàng hải đã trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong tháng 4/2019. Hiện, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan và tiếp tục phối hợp để tiếp thu, giải trình các ý kiến”, đại diện này cho hay.
Đại diện Cục Hàng hải cũng tiết lộ, tàu TKCN chuyên dụng mới rất hiện đại, có sức chịu sóng gió cấp 9, sức chứa khoang nhiên liệu lên đến 200 tấn, có thể duy trì cho tàu hoạt động trên biển liên tục trong 15 ngày.
Trước đó, chia sẻ với Báo Giao thông, ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN cho biết, theo thống kê, đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản của Việt Nam hiện có trên 125.000 chiếc, trong đó có khoảng 25.000 tàu đánh bắt cá xa bờ, số lao động trực tiếp trên 1 triệu người với ngư trường rộng khắp vùng Biển Đông.
Tuy vậy, thời điểm hiện tại, Trung tâm mới chỉ có 7 tàu TKCN phân bổ về 4 khu vực chính. Số lượng tàu ít nên khi tàu, thuyền của ngư dân xảy ra sự cố dồn dập, vấn đề điều động tàu cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
“Những năm gần đây, thời tiết lại diễn biến phức tạp, cấp gió mùa tương đương cấp bão, trong khi các tàu cứu nạn được đóng từ giai đoạn 2001 - 2005 đa phần đã gần hết khấu hao, những tàu lớn như SAR 411, SAR 412 chỉ chịu được sóng gió cấp 7,8; Dung tích khoang nhiên liệu chỉ chứa được khoảng từ 10 - 36 tấn, thời gian hoạt động trên biển bị hạn chế, việc di chuyển và xử lý các vụ tai nạn ở khoảng cách xa bờ (300 hải lý) trở thành thách thức lớn”, ông Hùng nói.
Được biết, cùng với dự án đóng mới tàu đang triển khai, Cục Hàng hải VN cũng đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho đầu tư đóng mới thêm 4 tàu TKCN hoạt động xa bờ bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc ODA và đề xuất viện trợ nước ngoài một số tàu có chức năng TKCN đã qua sử dụng của các nước phát triển để nâng cao năng lực TKCN trên biển của Việt Nam.