Vẫn còn hộ dân không chịu nhận đền bù
Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho thấy, tiến độ thực hiện GPMB còn chậm so với kế hoạch được giao. Dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn 5 xã của huyện chia làm 2 dự án: QL45 - Nghi Sơn ; Nghi Sơn - Diễn Châu với tổng chiều dài 21km, số lượt hộ bị ảnh hưởng hơn 1.200 hộ.
Là một trong những địa phương từng có nhiều hộ dân xây dựng nhà siêu tốc chờ đền bù, tại xã Phú Lâm hiện có 223 lượt hộ bị ảnh hưởng. Ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết, với những trường hợp xây dựng trái phép trên phạm vi dự án, Ban GPMB huyện đã về lập biên bản xử phạt hành chính và những công trình này không được kiểm kê để đền bù.
Ông Đỗ Viết Dực, Phó giám đốc Ban GPMB - Hỗ trợ và tái định cư huyện Tĩnh Gia cho biết, tiến độ GPMB chậm do hai nguyên nhân chính là việc xác định loại đất; xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất, những công việc này phải mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra cũng có tình trạng người dân cố tình không nhận tiền đền bù. Tính đến nay còn 20% số hộ trên địa bàn huyện không nhận tiền đền bù.
“Để đảm bảo tiến độ, huyện Tĩnh Gia đã yêu cầu các phòng, ban liên quan tập trung đẩy nhanh công tác GPMB, đảm bảo hoàn thành toàn bộ trước ngày 29/2/2020”, ông Dực cho biết.
Theo Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, chiều dài tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa phương là 98,543km, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 8.641 hộ, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 796,28ha, trong đó đất ở là 90,08ha. Tổng kinh phí đã giải ngân năm 2019 là 801,46/902,67 tỷ đồng vốn đã bố trí, đạt 88,79%. Tổng nhu cầu vốn còn lại năm 2020 theo báo cáo của UBND các huyện là 2.117/3.020 tỷ đồng kinh phí GPMB dự kiến cho toàn dự án qua địa phận tỉnh. Trong đó, dự án Mai Sơn - QL45 là 935/1.472 tỷ đồng; dự án QL45 - Nghi Sơn là 952/1.253 tỷ đồng; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu là 230/295 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 20/4/2020.
Liên quan đến dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đến nay mặt bằng của dự án đã được bàn giao 11,705/15,2km đạt 76,78%. Tại Nam Định, địa phương đã bàn giao được 3,755/5,1km, đạt 74%, còn lại khoảng 1,345km tập trung vào khu vực dân cư xã Yên Bằng và xã Yên Khang, huyện Ý Yên. Đối với tỉnh Ninh Bình đã bàn giao được được 7,95/10,1km đạt 78,71%, còn lại 2,45km.
Trong chuyến kiểm tra hiện trường dự án Cao Bồ - Mai Sơn mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn không thể chậm tiến độ. Bộ trưởng nêu rõ: Thời gian hoàn thành dự án không thể lùi. Các địa phương còn vướng mặt bằng phải cam kết bằng văn bản thời gian hoàn thành làm cơ sở theo dõi, giám sát.
Giải quyết dứt điểm vướng mắc
Cán bộ xã Diễn Xuân và huyện Diễn Châu kiểm tra diện tích đất nông nghiệp
sẽ thu hồi trước khi bàn giao cho dự án cao tốc. Ảnh: Thủy Tiên
Trong khi đó, sau 5 tháng được khởi công, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Quảng Trị hiện vẫn còn khoảng hơn 5/37,3km chưa được bàn giao mặt bằng. Trong đó, có đoạn qua rừng đặc dụng ở huyện Cam Lộ khoảng 2,5km, hiện đang vướng các mô hình, vườn giống của một trung tâm thuộc Bộ NN&PTNT. Sau khi tỉnh báo cáo, đầu tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Trị và Bộ GTVT khẩn trương tiến hành các thủ tục GPMB, hoàn thành trước 15/2.
Ông Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho biết, ngoài đoạn “đường găng” mặt bằng này, tại huyện Triệu Phong vẫn còn 2km vướng mặt bằng, liên quan đến diện tích rừng phòng hộ. Hiện tỉnh đang cho rà soát kiến nghị bồi thường của người dân để giải quyết dứt điểm. “Địa phương đang khẩn trương giải quyết các vướng mắc còn lại để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 2 này”, ông Hùng cho hay.
Tại Thừa Thiên - Huế, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh ảnh hưởng 178 hộ dân tại các huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy và Hương Trà. Đến nay, tỉnh đã bàn giao mặt bằng được 38,4/62,5km, đến ngày 28/2 bàn giao 56,9/62,5km, còn lại 5,6km, đến tháng 3/2020 sẽ bàn giao nốt.
Theo ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, một trong những vướng mắc lớn nhất thời gian qua là việc người dân không đồng ý nhận tiền bồi thường do giá đất rừng phần giáp ranh tỉnh Quảng Trị thấp hơn khu vực Quảng Trị. Tuy nhiên, sau quá trình giải thích, tích cực tuyên truyền vận động, việc này đã được giải quyết. Huyện đã bàn giao cho chủ đầu tư được 22,8/23,8km, 1km còn lại đang rà soát lại nguồn gốc đất và sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 2 này.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho hay, do có nhiều hộ chưa được cấp GCNQSDĐ nông nghiệp, đất khai hoang manh mún phải rà soát, lấy ý kiến dân cư...
Công khai trước dân - chìa khóa đẩy nhanh tiến độ
Tại Nghệ An, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài 87,84km đi qua 6 huyện gồm 2 tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt. Tính đến thời điểm hiện tại, Nghệ An đã phê duyệt tiền bồi thường GPMB được 736,65 tỷ đồng, đã giải ngân được 678,98 tỷ đồng, bàn giao mặt bằng 62,76km, đạt 71,46% khối lượng.
Tại Quỳnh Lưu, đến nay huyện đã bàn giao được 12,9/14,3km trên tuyến chính, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong công tác GPMB ở Nghệ An. Ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2019, huyện nhận được 100 tỷ đồng thì đã giải ngân hết và đã tiếp tục đăng ký thêm 16 tỷ đồng để chi trả cho người dân. Theo ông Bộ, chìa khóa để đẩy nhanh tiến độ GPMB không chỉ là sự quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp chính quyền mà chính là ở sự công khai minh bạch.
“Ngay từ đầu huyện chủ động rà soát toàn bộ nguồn gốc đất, phân công phân nhiệm những người có kinh nghiệm GPMB, lượng hóa công việc triển khai một cách đồng bộ tuần tự theo các bước. Toàn bộ quá trình triển khai, chúng tôi đều thông tin công khai, không để người dân thắc mắc, đồng thời tuyên truyền để người dân thấy đây là công trình trọng điểm quốc gia cần ưu tiên số 1”, ông Bộ thông tin.
Tương tự, ông Lê Mạnh Hiên, Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, toàn huyện có 11 xã bị ảnh hưởng bởi dự án với chiều dài 26,86km ở cả hai tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt. Tuy khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút nhưng do có kinh nghiệm trước đây khi GPMB dự án mở rộng QL1, QL7 nên huyện đã chủ động kiểm đếm khối lượng tài sản hoa màu trên đất trước khi trình diện tích đo. Khi thủ tục pháp lý đầy đủ và được phê duyệt, việc giải ngân thực hiện nhanh chóng.
Một điển hình khác là huyện Nghi Lộc với chiều dài dự án đi qua là 7,14km, hiện tại huyện đã hoàn thiện GPMB đất nông nghiệp để bàn giao cho dự án. Việc GPMB đất ở, xây dựng khu tái định cư dự kiến sẽ hoàn thiện trong quý II/2020. “Tất cả khó khăn, vướng mắc đều được huyện tháo gỡ kịp thời cùng sự đồng thuận của người dân”, lãnh đạo huyện Nghi Lộc chia sẻ.
Tập trung toàn lực sẽ cho kết quả khả quan
Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra thực địa tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đầu tháng 10/2019. Ảnh: Vĩnh Phú
Chỉ cách đây 4 tháng, việc bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trải dài qua địa bàn 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận còn nhiều vướng mắc. Tuy nhiên nhờ vào sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương và kiểm tra đốc thúc quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, đến nay mọi việc tiến triển khá tốt.
Đại diện Ban QLDA 85 (đơn vị được giao đại diện chủ đầu tư tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) cho biết, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án khoảng 692 tỷ đồng (tỉnh Khánh Hòa 43 tỷ đồng; Ninh Thuận 556 tỷ đồng, Bình Thuận 93 tỷ đồng). Đến nay đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính xác định phê duyệt giá đất 7/7 huyện, niêm yết phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt 89%.
Khối lượng GPMB lớn nhất nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với 1.217 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng, hiện đã phê duyệt phương án 1.099 hộ dân, tổ chức và đã chi trả tiền bồi thường cho 993 hộ dân, giải ngân hơn 223 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang kiến nghị Bộ GTVT bổ sung vốn để tiếp tục chi trả bồi thường, tái định cư.
Đại diện Ban QLDA 85 cho biết, về cơ bản mặt bằng qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đã hoàn thành. Riêng đoạn qua địa bàn TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có chậm hơn, Ban đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thiện trình Bộ GTVT các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tại Bình Thuận, dự án cao tốc Bắc - Nam ngoài phân đoạn gồm: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, còn có các phân đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, tổng chiều dài hơn 160km nên khối lượng GPMB rất lớn. Theo Sở GTVT Bình Thuận các tuyến cao tốc đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh, đến nay công tác bồi thường, GPMB và tái định cư đã cơ bản hoàn thành.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đến nay tiến độ bàn giao mặt bằng tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng có nhiều chuyển biến. Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT Đồng Nai) cho biết: “Thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã dốc toàn lực để đẩy nhanh công tác GPMB. Theo kế hoạch, việc bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 3”, ông Quế cho hay.
Vẫn trong tầm kiểm soát
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), Bộ GTVT cho biết, công tác GPMB tại các dự án cao tốc Bắc - Nam được tách thành các tiểu dự án do địa phương làm chủ đầu tư.
Đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đã bàn giao được 166/653,6km mặt bằng cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Cụ thể, dự án Cao Bồ - Mai Sơn địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 11,4/15,2km; cao tốc Cam Lộ - La Sơn (75/98,3km); cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (9,5/78,5km); cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (70/101km).
“Mục tiêu bàn giao xong toàn bộ phần đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 của các địa phương nơi dự án đi qua đã không hoàn thành theo kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, cao tốc Bắc - Nam là dự án có khối lượng GPMB rất lớn. Thời gian qua, chính quyền địa phương nơi dự án đi qua đã tích cực vào cuộc, nhiều tỉnh thành huy động cả hệ thống chính trị để triển khai công tác đền bù, GPMB và đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể,toàn bộ phần vốn phục vụ công tác GPMB năm 2019 khoảng hơn 4.700 tỷ đồng đã được các địa phương giải ngân hết.
“Thậm chí, một số tỉnh làm tốt như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận… còn đề nghị Bộ GTVT cấp thêm vốn để chi trả đền bù GPMB. Tuy nhiên, hiện nay, còn một số địa phương vì nhiều lý do khách quan và chủ quan chưa thực sự quyết liệt trong công tác GPMB nên kết quả còn thấp”, ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, về tổng thể, kết quả GPMB của các dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát của Bộ GTVT. Hiện nay, hai dự án đầu tư công đã triển khai xây dựng như: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn đều đã cơ bản có mặt bằng để các nhà thầu thi công, còn lại các dự án PPP nếu thuận lợi cũng phải cuối năm 2020 mới có thể khởi công xây dựng. Hiện nay, Bộ GTVT đang quyết liệt yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Cũng theo ông Hiển, công tác thiết kế kỹ thuật của các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ cơ bản hoàn thành trước ngày 29/2/2020. Vướng mắc lớn có thể ảnh hưởng đến tiến độ cao tốc Bắc - Nam trong thời gian tới là công tác trình duyệt dự toán của các dự án.
Kế hoạch trước đây của Bộ GTVT, tiến độ trình duyệt dự toán các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành trước ngày 15/3/2020 để đưa các dự án PPP ra đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 10/2019 về định mức xây dựng nên các đơn vị tư vấn mất nhiều thời gian để cập nhật.
“Đặc biệt, việc xác định đơn giá ca máy, đơn giá nhân công theo Thông tư 11/2019 và Thông tư 15/2019 của Bộ Xây dựng chưa được các địa phương ban hành làm chậm tiến độ lập dự toán của các đơn vị tư vấn, khiến tiến độ hoàn thành công tác trình duyệt dự toán theo yêu cầu của Bộ GTVT không thể đáp ứng ”, ông Hiển nói và cho biết, đầu tuần này, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trình duyệt dự toán của các dự án cao tốc Bắc - Nam.