Cần Thơ: Nguy cơ thiếu hoa tiêu dẫn tàu ngoại nhập cảng do dịch Covid-19

Thứ năm, 26/03/2020 15:57

Tàu thuyền nước ngoài đến hoạt động tại khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ phải tuân theo quy trình phòng Covid-19 nghiêm ngặt.

Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn

Ngày 26/3, đại diện Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng các ngành có liên quan xây dựng quy trình chống dịch cho các tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài đến hoạt động tại vùng nước các cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, TP Cần Thơ và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ.

Theo đó, tàu thuyền và thuyền viên trên tàu đến từ các cảng biển nước ngoài phải thực hiện khai báo y tế. Cụ thể, tàu thuyền trước khi đến vùng cảng biển thuộc các địa phận nói trên 12h phải gửi cho Kiểm dịch y tế quốc tế các giấy tờ có liên quan; thuyền viên trên tàu đến từ vùng dịch hoặc đã từng đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày, chậm nhất 12h trước khi đến cảng biển phải nộp tờ khai y tế cá nhân.

Khi tàu thuyền nhập cảnh, sẽ thực hiện việc kiểm dịch theo quy trình của trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, Trà Vinh (đủ 14 ngày) tại vùng kiểm dịch (phao số 0). Cụ thể, neo tại vùng kiểm dịch đủ 14 ngày kể từ ngày rời cảng gần nhất. Trường hợp phát hiện có dịch bệnh hoặc có cơ sở để xác định tồn tại dịch bệnh, tàu và thuyền viên sẽ được cách ly, giám sát tuyệt đối, toàn diện.

Lực lượng làm nhiệm vụ được trang bị đồ bảo hộ y tế, không tiếp xúc gần với thuyền viên trên tàu
và các thuyền viên trên tàu không được phép lên bờ trong thời gian neo đậu tại cảng để lên xuống hàng hóa

Đặc biệt, Biên phòng, Công an cửa khẩu không cho phép thuyền viên đi lên bờ và phối hợp với Cơ quan kiểm tra dịch thực hiện công tác giám sát theo quy định.

Đối với lực lượng làm nhiệm vụ như hải quan, giám định hàng hóa được thực hiện các biện pháp phòng dịch mặc đồ bảo hộ y tế và dưới sự giám sát của cơ quan kiểm dịch y tế mới được phép lên tàu.

Sau khi làm việc với nhân viên tàu, lực lượng làm nhiệm vụ được phun khử khuẩn theo quy định

“Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch tại các cảng biển được thực hiện rất tốt. Điển hình như Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn quy trình đón tàu vận chuyển nhiên liệu nhập cảng rất chặt chẽ, gần như kiểm soát được tình hình dịch”, đại diện Cảng vụ Cần Thơ cho biết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn còn gặp nhiều khó khăn như việc kiểm dịch ở phao số 0 không thể thực hiện được do điều kiện thời tiết nên phải đưa tàu vào khu vực tạm thời, thiếu trang thiết bị như khẩu trang y tế; kinh phí phòng chống dịch phải sử dụng từ nguồn chi thường xuyên nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động khác,…

“Khó khăn nhất là vấn đề về hoa tiêu. Đây là người trực tiếp lên tàu để dẫn tàu vào cảng. Thời gian hoa tiêu ở trên tàu thường kéo dài từ 7-8 tiếng, nếu mặc đồ bảo hộ, trong một quãng thời gian dài như vậy thì sẽ không chịu nỗi. Nhưng nếu mỗi một hoa tiêu sau khi dẫn tàu trở về mà thực hiện việc cách ly 14 ngày thì không bao lâu sau chúng tôi sẽ không còn hoa tiêu để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng nếu không có hoa tiêu dẫn đường thì tàu không thể vào cảng, cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động.

Vì vậy, hiện chúng tôi rất quan tâm đến lực lượng này. Để đảm bảo an toàn, các hoa tiêu khi lên tàu sẽ đeo khẩu trang y tế, găng tay. Khu vực buồng lái luôn được mở cửa sổ tạo sự thông thoáng và quán triệt tuyệt đối những người không liên quan, không phận sự trên tàu không được đến khu vực điều khiển tàu trong thời gian hoa tiêu làm nhiệm vụ. Đơn vị cũng dành riêng một tầng 3 làm khu vực cách ly riêng cho hoa tiêu sau khi làm nhiệm vụ trở về sẽ lên đó sinh hoạt, nghĩ ngơi”, đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết.

Theo thống kê, từ ngày 1/2 đến 26/3, tàu xuất nhập cảnh là 46 lượt (tăng 35,3%), sản lượng hàng hóa nhập khẩu 224.129 tấn, tăng 288% so với cùng kỳ. Trong đó xăng dầu là 114.129 tấn, than nhập 110.000 tấn.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:138171
Lượt truy cập: 176.622.461