Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ phản ánh: Hiện nay, cầu Đoan Hùng trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua sông Chảy thuộc địa bàn thị trấn Đoan Hùng, xã Chí Đám đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Do đó từ tháng 2 năm 2020, cầu Đoan Hùng được thiết lập khung chiều cao 2,1m nên chỉ có xe ôtô dưới 7 chỗ ngồi, xe máy và các phương tiện thô sơ được tham gia lưu thông qua cầu; điều này gây ảnh hưởng lớn tới việc vận chuyển giao thương hàng hóa, giao thông của người dân khi đi qua đây gây thất thu lớn cho nhiều doanh nghiệp. Cử tri mong muốn có phương án thi công sớm và nhanh trong thời gian tới để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và giao thương hàng hóa của người dân”.
Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Về hiện trạng hư hỏng công trình cầu Đoan Hùng: Cầu Đoan Hùng nằm trên QL2, được xây dựng hoàn thành từ năm 1984, có kết cấu 5 nhịp dầm BTCT khẩu độ 24m/nhịp, đặt trên 2 mố (M0 bờ phía Phú Thọ, M5 tại bờ phía Tuyên Quang), 4 trụ (từ phía Phú Thọ sang Tuyên Quang lần lượt là T1, T2, T3 và T4). Thiết kế ban đầu các nhịp dầm BTCT giản đơn, các mố BTCT trên hệ cọc đóng; các trụ BTCT trên hệ cọc thép I300 đóng vào nền thiên nhiên.
Công trình sửa chữa năm 2004, dầm cầu được nối liên tục 5 nhịp và sử dụng cáp dự ứng lực (DƯL) ngoài để liên tục hệ dầm. Các năm 2010, 2013 đã sửa chữa gia cố thêm một số bộ phận như: chống xói cho các trụ cầu, gia cố bờ sông chống sạt lở, các trụ T2 và T3 nằm trên dòng chảy chính trước đây xói sâu (khoảng 5- 6m) nên đã sửa chữa tăng cường 4 cọc khoan nhồi/ trụ và mở rộng móng.
Sau thời gian dài khai thác công trình đã có các dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Các hư hỏng hiện nay gồm: Trụ T1 có vị trí tim (phương ngang) trên đỉnh trụ lệch so với tim thân ở bệ khoảng 6cm; trụ T3 có tim trên đỉnh trụ (theo phương ngang) lệch so với tim thân trụ tại bệ mố khoảng 15 cm; Cao độ đáy sông tiếp tục bị xói sâu so với thời điểm năm 2013 (đặc biệt tại vị trí trụ T3 xói sâu hơn năm 2013 là ~7m, kết quả khoảng hở chiều cao cọc trụ từ đáy bệ đến đáy sông lớn hơn 11m dẫn đến sự ổn định của cọc rất kém). Các nhịp dầm chuyển vị dọc hướng về phía mố M0, dẫn đến 2 nửa của khe co giãn trên đỉnh mố này bị ép dần vào nhau; đầu dầm sát va vào tường đỉnh mố gây nứt tường đỉnh; các nhịp dầm cũng có xu hướng dịch chuyển ngang và trên mặt cầu có vị trí nhịp lõm xuống (khu vực trụ T3). Trên các mố và trụ (ngoài nứt vỡ tường đầu mố M0) có các hiện tượng khác, đặc biệt gối cao su tại nhiều vị trí hiện đã dịch chuyển (dọc, ngang, chéo) khỏi vị trí thiết kế ban đầu, có gối dịch chuyển khá ra khỏi vị trí. Mặt khác các gối cao su khai thác nhiều năm nay đã xẹp lún, bong các bộ phận. Do đó dẫn tới có vị trí gối không kê được lên dầm, có vị trí gối kê vào vị trí khác với thiết kế của dầm và các tồn tại khác.
Công trình đã khai thác 36 năm, quá trình khai thác bị hư hỏng xuống cấp theo thời gian; Thiết kế cầu ban đầu với tải trọng thấp, sau này sửa chữa nối liên tục 5 nhịp và tăng cường kết cấu dầm bằng DƯL ngoài nhưng chưa tăng cường cho các mố trụ; Kết cấu thân trụ cao, mảnh, hệ thống cọc móng bằng thép I300 đóng vào nền thiên nhiên không chống được xói sâu do vị trí xây dựng cầu có dòng sông chảy xiết và uốn cong, lưu lượng nước lớn mỗi khi Thủy điện Thác Bà xả nước, bên cạnh đó sông hẹp và sâu, việc khai thác cát thượng lưu và hạ lưu cũng ảnh hưởng đến tình trạng xói lòng sông ảnh hưởng đến kết cấu trụ mố cầu. Mố M0, M5 ở vị trí khá cao, bờ sông dốc nên áp lực đất trên nón mố và sau mố tác động lên các mố và trụ T1 nằm gần mố. Kết cấu cầu gồm 5 nhịp dầm liên tục bằng DƯL căng kéo ngoài khai thác nhiều năm, nên khi bộ phận này xuống cấp (như xẹp gối, lệch gối, đỉnh trụ mố chuyển vị ngang) đều ảnh hưởng đến việc hư hỏng, xuống cấp các bộ phận khác của cầu.
Về quá trình tổ chức triển khai các thủ tục để tiến hành sửa chữa cầu Đoan Hùng:
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), Bộ GTVT đã có văn bản số 7467/BGTVT-KCHT ngày 09/8/2019 chấp thuận danh mục công trình cho phép chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2020 đối với công trình Sửa chữa hư hỏng cầu Đoan Hùng Km111+812, dự kiến kinh phí thực hiện 11,5 tỷ đồng; đồng thời giao Tổng cục ĐBVN khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và hoàn thành công tác phê duyệt dự án đầu tư để làm cơ sở phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2020. Trong quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục ĐBVN đã mời các đơn vị quản lý (Cục QLĐ I, Chi cục QLĐB khu vực, Nhà thầu Quản lý BDTX), Tư vấn thiết kế, Tư vấn kiểm định, Tư vấn quan trắc, các Sở GTVT Yên Bái, Tuyên Quang và Phú Thọ và các chuyên gia về cầu của ngành GTVT (PGS. Tống Trần Tùng – Cố vấn Bộ trưởng Bộ GTVT; Ông Chu Ngọc Sủng – Nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TEDI; Bộ môn Cầu, Hầm - Trường ĐHGTVT, ...) tổ chức kiểm tra hiện trường, thực hiện việc kiểm định để xác định nguyên nhân hư hỏng công trình, nghiên cứu giải pháp xử lý, sửa chữa phù hợp và tổ chức hội thảo đánh giá mức độ an toàn công trình, an toàn giao thông để phối hợp để tổ chức đảm bảo giao thông.
Căn cứ kết quả kiểm định, khảo sát đánh giá tình trạng thực tế công trình, xét tính chất hư hỏng của cầu có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn công trình, an toàn giao thông, trên cơ sở thực trạng công trình và thảo luận với các chuyên gia, việc Tổng cục ĐBVN tổ chức thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông từ ngày 28/02/2020 là rất cần thiết, phương án cụ thể như sau: Cấm toàn bộ xe ô tô từ 07 chỗ trở lên và xe tải lưu thông qua cầu Đoan Hùng (trừ xe cứu thương); tổ chức phân luồng giao thông khu vực trước cầu Đoan Hùng và phân luồng giao thông từ xa; thời gian dự kiến phân luồng giao thông cho đến khi sửa chữa xong cầu. Đồng thời, giao Cục QLĐB I phối hợp với Sở GTVT Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang xác định vị trí, tổ chức cắm biển báo hướng dẫn, điều tiết giao thông theo phương án phân luồng phương tiện tại các nút giao chính; liên hệ với lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông bố trí điều tiết phân luồng từ xa và trong khu vực; cử lực lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi, cập nhật diễn biến, tình trạng hư hỏng của cầu, để đưa ra giải pháp xử lý cho phù hợp và báo cáo thường xuyên về Tổng cục ĐBVN.
Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo Cục QLĐB I khẩn trương thực hiện việc quan trắc, tổ chức khảo sát bổ sung, xác định nguyên nhân hư hỏng để lập hồ sơ thiết kế sửa chữa công trình phù hợp với tình hình cầu và đảm bảo khắc phục nguyên nhân hư hỏng. Trong thời gian chờ sửa chữa công trình, Cục QLĐB I có trách nhiệm tiếp tục tổ chức theo dõi thường xuyên, kiểm tra, cập nhật diễn biến, tình trạng hư hỏng của cầu, để đưa ra giải pháp xử lý cho phù hợp và báo cáo thường xuyên về Tổng cục ĐBVN.
Ngoài ra, Tổng cục ĐBVN cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang đề nghị dừng khai thác cát trên sông Chảy và sông Lô trong khu vực ảnh hưởng đến cầu Đoan Hùng để hạn chế đáy sông tiếp tục bị xói sâu thêm; đồng thời đề nghị Sở GTVT Phú Thọ thông báo cấm các phương tiện thủy đi qua cầu Đoan Hùng.
Kết quả kiểm định và khảo sát cho thấy tình trạng hư hỏng của cầu hết sức phức tạp, ngoài ra công trình còn nằm ở vị trí thắt hẹp dòng chảy và ở hạ lưu Thủy điện Thác Bà có chế độ thủy văn khác thường cộng với việc đáy sông xói sâu ~ 7m so với cao độ năm 2013 do khai thác cát quá mức trong khu vực cầu (trên sông Chảy và Sông Lô) của các doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Tuyên Quang. Do vậy, trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá tình trạng thực tế công trình, căn cứ kết quả kiểm định, nguyên nhân hư hỏng, Tổng cục ĐBVN đã có Văn bản số 3872/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 12/6/2020 báo cáo Bộ GTVT xem xét, bổ sung kinh phí thực hiện việc sửa chữa hư hỏng cầu Đoan Hùng do mức độ hư hỏng ngày càng phát triển. Sau khi xem xét, Bộ GTVT đã có Văn bản số 5113/BGTVT-KCHT ngày 17/6/2020 chấp thuận điều chỉnh kinh phí thực hiện sửa chữa hư hỏng cầu Đoan Hùng là khoảng 18 tỷ đồng như đề nghị của Tổng cục ĐBVN.
Trên cơ sở chấp thuận của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã phê duyệt Dự án sửa chữa cầu Đoan Hùng tại Quyết định số 2655/QĐ-TCĐBVN ngày 19/6/2020. Bộ GTVT cũng đã có Quyết định số 1233/QĐ-BGTVT ngày 25/6/2020 phê duyệt bổ sung công trình Sửa chữa hư hỏng cầu Đoan Hùng Km111+812 vào kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2020.
Hiện nay, Cục Quản lý đường bộ I đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình tại Quyết định số 800/QĐ-CQLĐB I ngày 04/8/2020; đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng công trình giao thông 236 – Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại 118 Thăng Long – Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tín Thịnh. Công trình đã được khởi công sửa chữa ngày 25/8/2020, dự kiến hoàn thành vào 25/02/2021 (thi công sửa chữa khoảng 6 tháng).
Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng cục ĐBVN, Cục Quản lý đường bộ I yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức nhiều mũi thi công để rút ngắn thời gian thi công tối đa, phấn đấu thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2021 nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của các doanh nghiệp và người dân.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.
Cổng TTĐT Bộ GTVT