Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng tháp do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 288/BDN ngày 24/7/2020, nội dung kiến nghị như sau:
“Cử tri đề nghị tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông; có giải pháp phát hiện triệt để, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm về an toàn giao thông, nhất là tình trạng sử dụng bia rượu, chất kích thích, ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông”.
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhân dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời và cung cấp một số thông tin để làm rõ hơn như sau:
Để tiếp tục kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT; trong đó, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/2/2019 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021.
Các nhóm giải pháp đã và đang được các đơn vị chức năng thực hiện như: xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện tham gia giao thông; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường quản lý an toàn vận tải; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT...
Về việc xử lý các vi phạm về bảo đảm TTATGT (đặc biệt là sử dụng rượu bia, ma túy): Triển khai quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các cơ quan, đơn vị chức năng đã tăng cường hướng dẫn và triển khai xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ và đường sắt.
Kết quả từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/6/2020, các đơn vị chức năng ngành giao thông vận tải đã thực hiện 27.603 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 28.558 vụ (trong đó có xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma túy); về cơ bản từ khi triển khai xử lý vi phạm nồng độ cồn theo quy định của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn của người dân được nâng cao và chuyển biến rõ rệt, vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn, tai nạn giao thông cũng giảm cả 03 tiêu chí, cụ thể:
Tai nạn giao thông 8 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/8/2020): toàn quốc xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.342 người, bị thương 6.627 người. So với 8 tháng đầu năm 2019, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%).
Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng ngành giao thông vận tải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm TTATGT như đã nêu trên; trong đó tập trung vào xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Đề án Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.
Cổng TTĐT Bộ GTVT