Các doanh nghiệp vận tải biển/cung ứng thuyền viên Việt Nam đang tìm mọi giải pháp
để đưa thuyền viên quá hạn hợp đồng về nước sớm nhất (Ảnh minh họa)
Sẵn sàng bỏ chi phí cao đưa thuyền viên về nước
Ông Lê Vĩ Linh, Trưởng phòng Nhân sự thuyền viên, Công ty CP Vận tải dầu Phương Đông Việt (PVTrans Oil) vui mừng chia sẻ, trước thời điểm dịch Covid-19, PVTrans Oil có tới 120 thuyền viên làm việc trên 6 tàu biển chạy tuyến quốc tế đi các nước: Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Úc, UAE...
“Theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải 2006, thời gian làm việc trên tàu của thuyền viên không được quá 12 tháng. Đối với PVTrans Oil, thuyền viên thường được thay thế sau 9-10 tháng. Công ty sẽ đưa thuyền viên sang một cảng biển nước ngoài (trong lộ trình hoạt động) bằng đường hàng không để thay”, ông Linh nói.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, đường bay thương mại từ các nước đến Việt Nam tạm dừng nên việc thay thế thuyền viên bị ngắt quãng. Trong 120 thuyền viên của PVTrans Oil, nhiều người có thời gian làm việc lên tới 15-20 tháng.
Để giải quyết tình trạng trên, PVTrans Oil liên tục gửi công văn đến Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nhờ hỗ trợ, đăng ký cho thuyền viên hồi hương trên những chuyến bay cứu trợ.
“Từ giữa tháng 11/2020 đến nay, 25 thuyền viên của công ty đã hồi hương thành công trên những chuyến bay cứu trợ do Đại sứ quán sắp xếp từ Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) về Việt Nam. Với những tàu hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, PVTrans Oil đã thực hiện đưa tàu về Việt Nam thay được 87 thuyền viên”, ông Linh chia sẻ.
Đại diện PVTrans Oil cũng cho biết, chi phí đưa một thuyền viên về nước rất tốn kém. Nhất là việc đưa tàu về Việt Nam thay thuyền viên, mỗi chuyến khoảng 1,5 - 1,7 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với bằng đường hàng không trước dịch (200-300 triệu đồng). “Dù tốn kém, nhưng PVTrans Oil vẫn quyết tâm đưa thuyền viên về nước, đoàn tụ với gia đình”, ông Linh khẳng định.
Ông Trần Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải và đầu tư Thương mại An Thái (Ataco) cho biết, gần đây đã đưa được hơn 200 lượt thuyền viên có thời gian đi tàu từ 12-18 tháng hồi hương. Trong đó, 17 thuyền viên được đưa về trên các chuyến bay charter. Khoảng 200 lượt thuyền viên khác được công ty đàm phán với chủ tàu đưa về các cảng: Hải Phòng, Nghi Sơn. Chỉ còn 9 thuyền viên quá hạn đang chờ công ty tìm phương án để tiếp tục đưa về nước.
Theo ông Vinh, thời gian chờ các chuyến bay cứu trợ của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước bị kéo dài do số lượng người đăng ký quá đông, Ateco phải tìm những chuyến bay charter, giúp thuyền viên trở về sớm.
“Chi phí cho những chuyến bay này khá đắt. Đơn cử, thời điểm không có dịch, giá vé máy bay chặng Nhật Bản - Việt Nam chỉ hơn 10 triệu đồng. Nhưng vé chuyến bay charter lên đến 35 - 42 triệu đồng/vé (gồm cả phí cách ly, ăn, ở). Thế nhưng, Ateco vẫn tích cực đàm phán với chủ tàu, bố trí kinh phí để giúp đỡ thuyền viên, đảm bảo thuyền viên nào cũng được về quê ăn Tết”, ông Vinh nói.
Sớm đưa thuyền viên vào diện ưu tiên đặc thù
Theo thống kê của Cục Hàng hải VN, hiện vẫn còn hơn 2.000 sỹ quan, thuyền viên đang bị mắc kẹt ở nước ngoài hoặc chuẩn bị hết hạn hợp đồng lao động cần được hỗ trợ hồi hương. Tuy nhiên, theo ông Lê Vĩ Linh (PVTrans Oil) và ông Trần Hữu Vinh (Công ty Ateco), khó khăn lớn nhất là thuyền viên không thuộc đối tượng được ưu tiên trong các chuyến bay cứu trợ hồi hương nên thời gian “xếp lốt” rất lâu, có thể từ 1-2 tháng. Ngoài ra, việc khớp lệnh giữa thời gian bay với thời gian tàu cập cảng quốc gia có chuyến bay cứu trợ cũng là vướng mắc lớn, thuyền viên đối diện với nguy cơ lỡ chuyến.
“Tôi may mắn được trở về nhà sau 17 tháng trên biển. Khoảng thời gian ấy, tôi và anh em trên tàu dù vẫn được trợ cấp đầy đủ, song không khỏi lo lắng khi hoạt động trong tâm dịch Covid-19. Đó vừa là nỗi lo lây nhiễm, vừa là nỗi trăn trở không biết đến khi nào cảnh lênh đênh trên tàu giữa đại dương, không thể bước chân lên bờ mới chấm dứt”, Anh Đặng Văn Thành, Máy trưởng thuộc Công ty Atecocho biết.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp kiến nghị Đại sứ quán, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) nghiên cứu, đưa thuyền viên vào diện ưu tiên đặc biệt trong việc đăng ký trên chuyến bay cứu trợ; bố trí có chính sách bảo lãnh cho thuyền viên lên bờ và chờ tại một khu cách ly (phí cách ly sẽ do chủ tàu nộp), giải tỏa nỗi lo lỡ chuyến.
Theo đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải và Thương mại Thanh Hà, cơ quan có thẩm quyền cũng cần hỗ trợ tối đa việc thực hiện thay thế thuyền viên tại các cảng Việt Nam như: Giảm cảng phí tới mức tối thiểu khi tàu chỉ dừng để thay thuyền viên; Ưu tiên thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 chi phí thấp cho thuyền viên. “Cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu dùng nguồn hỗ trợ của Chính phủ kêu gọi hoặc huy động các chủ tàu trong nước sang các cảng Hồng Kong, Singapore, Indonesia, Malaysia… để đón những thuyền viên đang bị kẹt về nước”, đại diện này đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết vừa có văn bản tổng hợp vướng mắc khó khăn gửi Bộ GTVT. Trong đó, kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại các nước xem xét đưa thuyền viên Việt Nam hết hạn hợp đồng đang mắc kẹt vào danh sách ưu tiên trên các chuyến bay của Chính phủ Việt Nam.
Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi Thông tư số 261/2016, đối với tàu thuyền vào cảng thay thế thuyền viên trong thời gian dịch bệnh, không thực hiện bốc dỡ hàng hóa thuộc đối tượng được miễn các khoản phí, lệ phí hàng hải hoặc được giảm 50-70% mức phí, lệ phí theo quy định.