Cảng hàng không Pleiku
Các nội dung kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Pleiku trong năm 2020, làm cơ sở để triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không Pleiku.
2. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, trình Chính phủ bổ sung, đầu tư tuyến giao thông kết nối vùng Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) và Ayun Pa (tỉnh Gia Lai); tuyến đường từ huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tới huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội các huyện giáp ranh giữa các tỉnh.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về Cảng hàng không Pleiku Cảng hàng không Pleiku được điều chỉnh quy hoạch sẽ làm cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư nâng cấp mở rộng nhà ga hành khách, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không, kết nối tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung với các địa phương trong cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trong khu vực. Năm 2020, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiệm vụ, dự toán Đề án điều chỉnh quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 cho Cảng hàng không Pleiku. Hiện nay, Bộ GTVT đang bố trí vốn năm 2021 để lập điều chỉnh quy hoạch, dự kiến cuối năm 2021 sẽ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
2. Về tuyến giao thông kết nối vùng Ea H’Leo (tỉnh Đắk Lắk) và Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và tuyến đường từ huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tới huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên)
Các tuyến giao thông kết nối giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh bao gồm: vùng Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk và Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) được đầu tư hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng các địa phương vùng Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung bộ; đồng thời phát huy hiệu quả của các trục đường quan trọng của vùng Tây Nguyên như: đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông và các tuyến quốc lộ: 25, 29,….Vì vậy, việc sớm đầu tư các tuyến đường nêu trên là cần thiết.
Theo quy định hiện hành, hệ thống đường địa phương do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quản lý và đầu tư. Vì vậy, vốn đầu tư cho các tuyến đường tỉnh thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách các địa phương. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Trong trường hợp khó khăn, Bộ GTVT đề nghị các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ trực tiếp từ nguồn ngân sách trung ương theo quy định, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT.