Đi dọc tuyến đường Lê Duẩn (TP Phan Rang-Tháp Chàm), không khó để bắt gặp tình trạng các xe khách dừng đỗ bên phần đường dành cho xe máy và xe thô sơ để đón khách. Không chỉ xe khách các tuyến đường dài liên tỉnh, mà có cả các xe khách trong tỉnh đăng ký chạy tuyến cố định cũng tham gia đón, trả khách không đúng nơi quy định. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay, không chỉ có điểm “bến cóc” trên tuyến đường này, mà còn tồn tại và xuất hiện một số điểm đón khách tại khu vực các nhà xe trong khu vực nội thị, dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), vòng xoay ngã 3 Tân Hội và trước Sân vận động tỉnh. Tình trạng xe khách thường xuyên dừng đỗ đón, trả khách không đúng nơi quy định, vừa tạo ra hình ảnh lộn xộn, phản cảm, vừa gây cản trở việc lưu thông và nguy hiểm đến người tham gia giao thông.
Vẫn còn nhiều phương tiện đón khách không đúng nơi quy định.
Điều đáng quan tâm là có không ít trường hợp xe chạy lòng vòng, đón, trả khách trong khu vực nội thị. Một số đơn vị vận tải không có đăng ký chạy tuyến cố định trong ngày, nhưng vẫn đưa phương tiện ra khai thác khách trên tuyến và một số đơn vị vận tải có xe hợp đồng cũng đón, giành khách trên các tuyến xe cố định, gây bức xúc và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, ATGT, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải và gây thất thu thuế nhà nước. Đối với các trường hợp xe chạy dù và xe chạy hợp đồng trá hình, chủ phương tiện không mở thiết bị giám sát hành trình và không có dữ liệu trên hệ thống theo dõi xe thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, nhằm tránh sự theo dõi, xử lý của cơ quan chức năng.
Qua phản ánh của một số đơn vị vận tải và theo dõi thực tế của Bến xe khách tỉnh, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện vẫn còn rất nhiều phương tiện núp bóng “xe chạy hợp đồng”, đón, trả khách tùy tiện, không chịu vào bến theo quy định. Khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra xử lý, tình trạng vi phạm này được chấn chỉnh, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, hoạt động vi phạm lại tái diễn.
Ông Nguyễn Văn Mộc, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Ninh Thuận cho biết: Tình trạng xe dù bến cóc đã tồn tại từ nhiều năm qua tại nhiều địa phương, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến công tác quản lý vận tải, ATGT. Tuy nhiên, thời gian qua công tác thanh, kiểm tra gặp nhiều khó khăn, bởi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tạm ngưng kế hoạch thanh tra đối với doanh nghiệp vận tải trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các chốt kiểm dịch trên các tuyến nên lực lượng Thanh tra giao thông bị phân tán, không đủ để bố trí tuần tra thường xuyên. Mặc dù, Thanh tra giao thông có chức năng xử lý “xe dù, bến cóc” nhưng không được phép dừng phương tiện khi không có dấu hiệu vi phạm, nhất là trên các tuyến quốc lộ. Do đó, để xử lý hiệu quả cần sự phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, kết hợp với hình thức theo dõi qua hệ thống camera và giám sát hành trình để phát hiện xử lý vi phạm.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc”, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, các địa phương tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, chấn chỉnh xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”. Đồng thời, ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ thực hiện cụ thể nhằm quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Theo đó, thành lập tổ công tác gồm Thanh tra Giao thông vận tải, Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Công an xã, phường để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Tập trung kiểm tra thường xuyên tại các bến xe khách, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, tại nơi bán vé, nơi đỗ xe của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các điểm phức tạp như: khu vực ngã 5 Phủ Hà, siêu thị Thanh Hà, khu vực Tháp Chàm, khu vực bến xe cũ, khu vực đường Đoàn Thị Điểm, chợ Phan Rang…
Mặt khác, sử dụng hệ thống camera, đối chiếu dữ liệu để quản lý, phát hiện xử lý vi phạm giao thông. Các địa phương trên địa bàn tỉnh, rà soát, nắm bắt hoạt động các điểm bán vé, khu đậu phương tiện của các đơn vị vận tải đã cấp phép, trường hợp vi phạm, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức cho các đơn vị vận tải, các bến xe khách ký cam kết không vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, nhất là các hành vi vi phạm về “xe dù, bến cóc”. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, tạo sự đồng thuận và sự ủng hộ đối với việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.