Mặc dù hiện rất nhiều Bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa trên 90% thủ tục hành chính (TTHC) nhưng thực chất lại cắt giảm chưa tới 10% chi phí tuân thủ các TTHC này. Nếu tiếp tục duy trì cách làm trên thì chắc chắn sẽ không đạt được chỉ tiêu Thủ tướng giao.
Vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành phải bảo đảm việc thực hiện chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% quy định hiện hành về TTHC gắn với yêu cầu cắt giảm cho được 30% chi phí tuân thủ TTHC.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc hôm nay (2/3) cũng đã có công điện quán triệt tinh thần này đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND 63 địa phương và Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bởi thời gian từ nay đến khi kết thúc khâu các đơn vị tự rà soát TTHC không còn nhiều (31/3/2010).
Theo yêu cầu của Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, 30% số TTHC sẽ cắt giảm chi phí được các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn trên cơ sở các TTHC đã được rà soát trước đó nhưng ưu tiên thủ tục có phạm vi tác động lớn, chi phí tuân thủ hiện còn cao. Phương án đơn giản hóa triệt để nhất các thủ tục này cần hoàn thành trước 31/3/2010.
Cắt chi phí TTHC = giảm được hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm
Dẫn chứng ngay trong số 256 TTHC đã được ưu tiên rà soát, đang trình Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa, ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng cho hay, việc quy định mức lệ phí cấp mới đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại cơ quan cấp huyện, tỉnh như hiện nay là quá cao. Vì trước khi làm thủ tục đăng ký xe, chủ sở hữu đã phải làm rất nhiều nghĩa vụ với nhà nước như: nộp thuế nhập khẩu, thuế mua bán VAT, lệ phí trước bạ. Vì vậy, việc giảm lệ phí đăng ký xe cho thủ tục này là hợp lý để giảm bớt chi phí cho chủ sở hữu.
"Nếu thực hiện được phương án đơn giản hóa thì thay vì mỗi năm chi phí đăng ký cấp mới biển số xe giao thông đường bộ phải mất trên 2,248 tỷ đồng sẽ giảm xuống còn 1,71 tỷ đồng, tức giảm 23,75% chi phí thực hiện thủ tục này", ông Phan đưa số liệu cụ thể.
Cần công khai, minh bạch thủ tục hành chính để tập trung cải cách hiệu quả nhất phục vụ người dân
Về thời gian doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà trong báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từng đưa ra con số doanh nghiệp phải khai thuế GTGT hết 300 giờ/650 giờ thực hiện nghĩa vụ này mỗi năm, ông Phan cho hay, đại đa số các doanh nghiệp vừa, nhỏ có mức phát sinh thuế hàng tháng thấp. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn có mức phát sinh thuế hàng tháng cao. Do vậy, quy định bắt buộc chung tất cả các doanh nghiệp bất kể quy mô phải kê khai thuế hàng tháng là không cần thiết, tạo gánh nặng tuân thủ lên đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Phan trao đổi, "thực tiễn tốt từ các quốc gia khác, chẳng hạn tại Hàn Quốc là 3 tháng/lần và với các doanh nghiệp nhỏ (doanh thu dưới 46.600 USD/năm) là 6 tháng/lần. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, trên 90% tổng số thuế VAT do 5% các doanh nghiệp đóng góp. Vì vậy, với cách quy định tần suất này, cơ quan thuế vẫn kiểm soát được việc nộp thuế, vẫn bảo đảm được an toàn về nguồn thu ngân sách nhưng lại giảm đáng kể gánh nặng về tuân thủ thủ tục thuế cho các doanh nghiệp.
Theo tính toán của Tổ công tác chuyên trách, việc giảm tần suất kê khai theo hướng trên sẽ tiết kiệm trên 600 tỷ đồng/năm cho các doanh nghiệp. Cùng với việc bãi bỏ thủ tục mua hóa đơn nêu trên, khi thực hiện phương án này, ngành thuế sẽ giảm được gần 200 giờ/năm tổng thời gian tuân thủ các thủ tục về thuế và tiết kiệm cho cộng đồng doanh nghiệp 1.150 tỷ đồng/năm, tức tỷ lệ cắt giảm chi phí lên tới 67%".
Toàn bộ 256 TTHC ưu tiên rà soát trước tháng 3/2010 đã được đề xuất đơn giản hóa theo hướng gắn với cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục cho dân và doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục đơn giản hóa trên 5.400 TTHC còn lại trong Bộ TTHC quốc gia - nhiệm vụ phải hoàn tất trong năm nay, ông Phan khẳng định.
Chinhphu.vn