2 tàu thủy cao tốc đầu tiên chở hàng thiết yếu trên “luồng xanh đường thủy” từ Tiền Giang về TP Hồ Chí Minh

Thứ hai, 19/07/2021 14:06

Đúng 7 giờ sáng ngày 19/7, hai tàu cao tốc Greenlines DP đã xuất bến từ TP Hồ Chí Minh đi Tiền Giang chở lương thực thiết yếu về TP Hồ Chí Minh

Theo đó ngày hôm nay (19/7) có hai trong tổng số năm tàu cao tốc được chạy. Các tàu cao tốc trên đã được tháo gỡ băng ghế để có thể chở 20 tấn hàng được phê duyệt.

Hai trong năm tàu cao tốc được khởi hành trong ngày đầu tiên

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP, cho biết hôm nay là chuyến đi đầu tiên nên tàu sẽ xuất phát trước hai chuyến. Sắp tới, số lượng tàu sẽ được điều động tối đa để phục vụ người dân.

Dự kiến mỗi chuyến tàu sẽ vận chuyển được 20 tấn hàng hoá thiết yếu. Như vậy, trong ngày hôm nay sẽ có khoảng 40 tấn hàng được đưa về TP Hồ Chí Minh. Hàng sẽ được xếp trong tàu, mở máy lạnh nên hàng hoá sẽ tươi, sống để phục vụ người dân.

Trưa cùng ngày, hai tàu cao tốc đã cập bến tại bến phà tạm Rạch Miễu bờ Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) bắt đầu vận chuyển hàng nông sản từ Tiền Giang về TP. Hồ Chí Minh.

Đây là những tấn hàng nông sản đầu tiên dùng “luồng xanh đường thủy” ở phía Nam nhằm giảm tải cho “luồng xanh đường bộ”, tăng cường nông sản cho thị trường TP.HCM và tránh đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Theo đó, điểm tập kết hàng hóa, nông sản… cho tàu cao tốc bốc dỡ hàng sẽ đặt tạm ở bến phà Rạch Miễu (xã Song Thuận, huyện Châu Thành).

Ông Đặng Văn Tuấn - Quyền giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho biết, trong ngày sẽ có khoảng hơn 30 tấn hàng nông sản củ, quả như dưa hấu, dưa lưới, bí… được vận chuyển về cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

“Trong buổi sáng cùng ngày Công ty Greenlines DP đã thu mua đủ 17 tấn hàng nông sản cho chuyến tàu đầu tiên. Còn một chiếc tàu còn lại sẽ tập trung thu gom mua hàng nông sản và sẽ xuất bến trong chiều nay” - Ông Tuấn cho biết.

Theo kế hoạch, dự kiến cách 2 ngày tùy theo nhu cầu thị trường, tàu cao tốc của Công ty Greenlines DP sẽ đến Tiền Giang để thu mua hàng nông sản vận chuyển về TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Song Hải cho biết thêm theo đúng lịch trình, các chuyến tàu cao tốc đường thủy sẽ xuất phát hằng ngày từ 6 giờ sáng tại bến Bạch Đằng, đi tới 12 giờ trưa quay về lại TP Hồ Chí Minh. Sau đó, 13 giờ sẽ tiếp tục khởi hành thêm một chuyến đến khoảng 18 giờ sẽ trở lại TP Hồ Chí Minh.

Dự kiến khoảng 2 - 3 ngày tới, sau khi các lái tàu, thuyên viên quen đường thì sẽ cho tàu cao tốc chạy cả đêm và mở rộng luồng hàng tới tất cả các địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, trong điều kiện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công tác lưu thông sẽ bị hạn chế. Do đó, đường thủy là một kênh vận chuyển mới giúp các phương tiện được lưu thông thuận lợi.

Ông An đánh giá thời gian tàu cao tốc đi trên đường sông sẽ nhanh hơn, không phải đi qua các trạm kiểm soát dịch. Tuy nhiên, tàu cao tốc phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đường thủy, đảm bảo thời gian chính xác và hàng hoá được tươi sống hơn, từ đó đảm bảo chất lượng cho người dân.

Những tàu cao tốc còn lại đang được tháo băng ghế để chở hàng 

Để đảm bảo phòng chống dịch, thuyền viên và lái tàu phải được chích ít nhất một mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được lên tàu. Lực lượng trên sẽ ở trên tàu, không tiếp xúc với người dân ở địa phương.

Sở GTVT TP Hồ Chí Minh rất hoan nghênh các phương tiện giao thông thuỷ tham gia đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh tham gia vận chuyển hàng hoá thiết yếu về TP.

Bên cạnh tạo luồng xanh bằng đường thuỷ, tới nay Sở GTVT cũng đã cấp giấy nhận diện phương tiện cho hơn 41.000 phương tiện.

Cũng trong ngày hôm nay, Bộ Y tế vừa ký Văn bản số 5753/BYT-MT gửi các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Công An; Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hoá.

Theo đó, Bộ Y tế đã nhận được Công văn số 4045/BCT-TTTN ngày 08/7/2021 của Bộ Công Thương về việc tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu và Công văn số 6895/BGTVT-CYT ngày 15/7/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị quy định thời hạn hiệu lực của xét nghiệm COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả mà vẫn đảm bảo việc lưu thông hàng hoá và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/7/2021, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn so với Chỉ thị 16/CT-TTg (sau đây gọi tắt là khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16);

Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu).

Đồng thời, yêu cầu người điều khiển phương tiện hạn chế dừng đỗ, hạn chế tiếp xúc với người khác, điều khiển phương tiện theo đúng lộ trình vận chuyển, ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; thường xuyên mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng phương tiện và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch (Thông điệp 5K, đặc biệt là khai báo y tế, phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển, sử dụng trang phục phòng chống dịch trong quá trình bốc dỡ hàng hóa nếu cần thiết, sát khuẩn tay thường xuyên, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hằng ngày...).

Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành có liên quan, Công an địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và y tế địa phương bố trí các địa điểm dừng nghỉ để tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 thuận lợi (xét nghiệm miễn phí cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên luồng xanh trên các tuyến giao thông, có mã QR code).

Các đơn vị y tế nhà nước từ cấp xã trở lên hoặc các cơ sở y tế (kể cả tư nhân) được phép thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và cấp chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng giao thông, điều phối các điểm dừng nghỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19; có thể bổ sung các điểm khi cần thiết và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, tránh tình trạng ùn ứ phương tiện trên các cung đường./.

PV

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:49009
Lượt truy cập: 176.101.666