Cục Hàng hải VN đang kêu gọi các công ty hoa tiêu và lai dắt tàu biển giảm giá dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vận tải biển nội địa giảm bớt gánh nặng tài chính, đủ “sức khỏe” để đứng vững trong đại dịch Covid-19.
Chính sách giảm giá dịch vụ hàng hải, đặc biệt là giá lai dắt tàu biển sẽ giúp các chủ tàu nội địa
giảm bớt gánh nặng chi phí hoạt động trong mùa dịch
Giá lai dắt chưa “dễ thở”
Một lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Vũ Gia Tam cho biết, dịch Covid-19 tác động lớn đến thị trường vận tải đường biển nội địa.
Nguồn hàng như: Than, clinker rất khan hiếm, cước liên tục sụt giảm từ 180.000 - 190.000 đồng/tấn chỉ còn 160.000 - 170.000 đồng/tấn.
Để duy trì hoạt động, đơn vị này phải khai thác những đơn hàng chuyển tải than cho các nhà máy nhiệt điện khu vực Duyên hải và sông Hậu với giá cước 100.000 đồng/tấn vận chuyển bằng 3 con tàu VR-SB trọng tải 5.000 tấn mạn kép. Doanh thu mỗi chuyến trung bình chỉ hơn 400 triệu đồng.
“Nhằm hỗ trợ cho các chủ tàu Việt, Cục Hàng hải VN đã và đang tiếp tục đề xuất Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Tài Chính cho phép giãn thời gian thực hiện quy định về điều kiện được chậm nộp các khoản phí, lệ phí cho tàu thuyền theo Thông tư 90/2019 của Bộ Tài chính.
Đồng thời, cho phép miễn phí sử dụng vị trí neo đậu đối với tàu, thuyền trong thời gian phải neo chờ để thực hiện việc kiểm tra y tế hoặc cách ly do dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa phương tiện vào cầu cảng thực hiện bốc xếp hàng hóa”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết.
Thế nhưng, giá dịch vụ lai dắt trong mùa dịch Covid-19 tại một số khu vực áp dụng vẫn còn khá cao.
Đơn cử, tại khu vực Gò Gia, nếu tàu 5.000 tấn của công ty vào làm hàng mạn trái chỉ yêu cầu một tàu lai, nhưng nếu làm mạn phải thì cần đến hai tàu lai với chi phí khoảng 26 triệu đồng.
Trung bình mỗi tháng, một tàu chuyển tải chạy được 2 chuyến, tổng doanh thu hơn 800 triệu đồng. Sau khi trừ các loại chi phí (hoa tiêu, lai dắt, cảng phí (do DN cảng thu,… từ 60 - 90 triệu đồng/chuyến (tùy khu vực/cảng biển) và tiền nhiên liệu), tổng số tiền còn lại chỉ còn khoảng 400 triệu đồng.
Chưa kể, trong mùa dịch, một số cảng biển khu vực TP HCM yêu cầu tàu phun khử trùng, khử khuẩn với phí từ 5 - 6 triệu đồng/tàu, chi phí xét nghiệm cho thuyền viên cũng mất đến 4 - 5 triệu đồng/tàu. Trong khi đó, chi phí cố định (lương, tiền ăn, bảo hiểm cho thuyền viên, bảo hiểm cho tàu) bình quân cho một tàu khoảng 240 triệu/tháng. Số tiền còn lại chưa đủ để bù đắp khấu hao tàu và tiền lãi ngân hàng.
Một số DN vận tải biển nội địa cũng cho biết, từ năm 2020, sau khi Cục Hàng hải VN kêu gọi, một số DN cung cấp tàu lai đã giảm nhưng giá vẫn chưa “dễ thở” như: Khu vực Nhiệt điện Duyên hải giá lai dắt vẫn ở mức 18 - 20 triệu đồng/2 lượt ra - vào; Khu vực Hòn La dao động từ 20 - 21 triệu đồng/2 lượt… Trong khi đó, giá tàu lai tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh luôn ổn định ở mức 15 - 16 triệu đồng.
Tại một số cảng biển khu vực Nghi Sơn (Thanh Hóa), theo đại diện Công ty CP Vận tải biển SHT, thời gian qua, giá lai dắt tàu biển đã có phần “giảm nhiệt”.
“Điển hình là tại cảng PTSC, giá lai dắt tàu trọng tải 5.000 - 7.000 tấn (chiều dài từ 80 - 115m) hiện là 17,6 triệu đồng/2 lượt (đã bao gồm VAT). Trước đó, giá lai dắt ở đây có thể gấp 2 lần hiện tại”, đại diện này chia sẻ.
Tiếp tục giảm giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt đến hết năm 2021
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, đã có văn bản kêu gọi các công ty hoa tiêu và lai dắt tàu biển giảm giá dịch vụ đối với phương tiện hoạt động tuyến nội địa (bao gồm cả tàu biển và phương tiện VR-SB).
“Tính đến ngày 22/7, có 7/12 công ty hoa tiêu đồng ý giảm giá 10% cho tàu Việt Nam hoạt động tuyến nội địa, áp dụng bằng giá tối thiểu quy định tại Thông tư số 54/2018 của Bộ GTVT. Thời gian giảm giá dự kiến từ ngày 1/8/2021 đến hết năm”, bà Thương cho hay.
Đối với hoạt động lai dắt, các DN tại khu vực: Hải Phòng, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Vũng Tàu, TP HCM cũng áp dụng mức giá dịch vụ tối thiểu quy định tại Thông tư số 54/2018 để hỗ trợ các chủ tàu nội địa từ năm 2020 đến nay.
Riêng các DN tàu lai tại khu vực Đà Nẵng, dự kiến sẽ giảm giá dịch vụ từ 3 - 15% (tùy tuyến) từ ngày 1/8 đến hết năm 2021.
“Một số DN lai dắt tại khu vực Cần Thơ cũng giảm từ 10% giá dịch vụ từ tháng 4/2020 đến nay và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 15% mức giá đang áp hiện hành từ tháng 8/2021”, bà Thương thông tin.
Ông Bùi Thế Hùng, TGĐ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho biết, hiện đơn vị này có các DN hoa tiêu khu vực 5, 8, 9 đề xuất không giảm giá dịch vụ do hoạt động khó khăn, doanh thu thấp.
“Các công ty hoa tiêu khu vực 1, 4, 7 đã thống nhất giảm 10% giá dịch vụ đối với phương tiện hoạt động tuyến nội địa đều là các DN hoạt động ở địa bàn có lượng tàu hoạt động lớn, có thể cân đối tình hình tài chính để hỗ trợ”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ hàng hải (CVHH) Quảng Bình cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Cục Hàng hải VN, cảng vụ đã có văn bản gửi DN lai dắt về việc giảm giá dịch vụ, hỗ trợ các chủ tàu nội địa.
“Hiện, khu vực cảng biển Quảng Bình chỉ có một DN kinh doanh tại khu vực Hòn La. Theo báo cáo, hoạt động khai thác đội tàu lai của họ tương đối “ảm đạm” khi mỗi tháng chỉ có 3 - 4 tàu vào làm hàng có nhu cầu sử dụng tàu lai ở thời điểm hiện tại.
Thậm chí, nếu khu vực không có các dự án điện gió đang triển khai, mỗi tháng, đơn vị tàu lai chỉ thực hiện được đối với 2 - 3 tàu, doanh thu để “hồi vốn” và trang trải chi phí vận hành, thuyền viên cũng rất khó khăn.
Mặc dù vậy, DN cũng báo cáo sẽ căn cứ tình hình hoạt động thực tế để cân đối, nghiên cứu giảm giá để “chia lửa” với chủ tàu nội địa. Tới đây, cảng vụ sẽ tiếp tục đôn đốc DN kinh doanh tàu lai xây dựng biểu giá dịch vụ phù hợp”, đại diện này nói.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cảng vụ rà soát các khu vực cảng biển có giá tàu lai cao để có khuyến nghị giảm giá kịp thời, tạo điều kiện cho DN vận tải biển nội địa tối ưu chi phí hoạt động.