Ngày 19/1/2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 114 phê duyệt Đề án Hỗ trợ xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng NTM theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm đến năm 2020. Tổng khối lượng xi măng xác định hỗ trợ trong giai đoạn 2017 – 2020 là 1 triệu tấn, với hy vọng và mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 25% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 2 - Giao thông trong bộ tiêu chí NTM; có khoảng 50% số xã đạt tiêu chí Thu nhập và tiêu chí Tỷ lệ hộ nghèo; 60% số xã đạt tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất. Phấn đấu từ 16 xã đạt chuẩn cuối năm 2016 lên 38 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020 và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Thực hiện Đề án một triệu tấn xi măng, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Hà Giang đã huy động được trên 900 tỷ đồng, trong đó gần 417 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, 178 tỷ đồng ngân sách tỉnh, huyện và nhân dân góp gần 2 triệu ngày công, hiến trên 1,6 triệu m2 đất và tiền với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng. Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn tỉnh làm được trên 1.900 km đường bê tông các loại. Góp phần nâng số xã đạt tiêu chí giao thông của tỉnh đến cuối năm 2020 lên 72/175 xã, đạt 41%, vượt 16% so với mục tiêu đề án; hoàn thành tiêu chí Tổ chức sản xuất của 164/175 xã, đạt 94%, vượt 34%. Toàn tỉnh có 45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 7 xã; thành phố Hà Giang hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, không còn xã dưới 5 tiêu chí; tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân của tỉnh đạt 6,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tăng 57,4% so với năm 2015; giá trị canh tác trên đơn vị diện tích tăng từ 41,1 triệu đồng lên 50 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,22%/năm, từ trên 44% xuống còn 22,53%.
Người dân xã Mậu Long (Yên Minh) làm đường bê tông đi thôn Nà Luông. Ảnh: Tư liệu
Tại thôn Khau Đáy, xã Du Già – vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, cộng đồng dân cư gần 100 hộ sống tập trung dọc tuyến đường chính vào thôn mới được bê tông hóa. Gần 10 năm trước, các hộ dân trong thôn vẫn sống rải rác ở các cụm dân cư nhỏ lẻ trên sườn núi. Từ khi đường vào thôn được mở rộng và bê tông hóa, có khoảng 80 hộ hạ sơn. Đời sống bà con ngày một tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua mỗi năm.
Bí thư Chi bộ thôn Khau Đáy Nguyễn Văn Nguyên cho biết: Thôn có 103 hộ, 100% dân tộc Mông. Trước đây phần lớn đều là hộ nghèo, điều kiện sinh sống rất khó khăn, không đường, không điện, khó tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, viễn thông. Khi có đường mới, người dân chủ động hạ sơn dựng nhà thành khu dân cư tập trung bám đường. Hiện nay thôn chỉ còn hơn 20 hộ đang sống rải rác trên núi cao và cũng có nhu cầu chuyển về vùng thấp. Những năm gần đây thôn đều có tỷ lệ giảm nghèo 9-10%/năm, hiện chỉ còn 50% hộ nghèo.
Là xã đầu tiên của huyện Xín Mần được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016. Trong 5 năm xây dựng NTM, Khuôn Lùng đã huy động các nguồn lực, mở mới 31,4 km đường giao thông nông thôn, cứng hoá trên 36,3 km đường bê tông. Hiện nay hạ tầng đường liên thôn, nhóm hộ của xã đã cơ bản được cứng hóa. Các tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa cho bà con. Ông Hoàng Văn Viết, thôn Làng Thượng chia sẻ: Từ khi có đường bê tông, những sản phẩm gia đình sản xuất bán ra thị trường thuận lợi hơn. Nhất là mô hình nuôi trâu vỗ béo khi xuất bán không phải dắt bộ ra đường lớn, xe tải có thể vào tận cổng nhà.
Xuôi về huyện vùng thấp Bắc Quang, xã Hùng An được công nhận đạt chuẩn NTM muộn so với các địa phương khác, năm 2019. Tuy nhiên, Hùng An lại nằm trong số ít những xã có hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo nhất, với 100% đường liên thôn, ngõ xóm được bê tông hóa. Đây là động lực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Tuyến đường bê tông liên thôn An Tiến - Bó Loỏng - An Bình là một điển hình. Trước năm 2018, đây là tuyến đường đất, thường xuyên lầy lội khi trời mưa, bụi bẩn khi nắng lên nhưng nay đã là con đường bê tông nông thôn sạch, đẹp nhất, tốt nhất của tỉnh đến thời điểm này với chiều rộng 5 m, dày 24 cm.
Bí thư Đảng ủy xã Hùng An Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tuyến đường được đầu tư theo Đề án một triệu tấn xi măng rộng 3,5 m, dày 18 cm, dài 3,6 km. Nhưng xã xin chủ trương của huyện, tỉnh huy động thêm nhân dân và doanh nghiệp đóng góp kinh phí và hiến đất để làm rộng thêm 1,5 m, nâng độ dày của đường lên 24 cm. Tuyến đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, nâng cao giá trị canh tác đất và làm thay đổi đời sống, nhận thức của nhân dân trong công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng nông thôn.
Theo Trưởng thôn An Tiến Phạm Ngọc Dũng, khi chưa có đường, bà con thu hoạch chè, các loại rau, quả trong vườn đồi đem bán rất vất vả, bị thương lái ép giá. Nhưng nay không còn tình trạng này. Hiện tại thôn An Tiến không có hộ nghèo.