Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai thi công cần khoảng 51 triệu m3 đất đắp
Thiếu đất đắp, nhiều dự án sẽ chậm tiến độ
Theo Bộ TN&MT, tại thời điểm kiểm tra, 9/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có tổng nhu cầu đất đắp nền đường khoảng 51 triệu m3 (sau khi đã sử dụng đất đắp nền đường tại chỗ).
Ngoài hai dự án thiếu khối lượng rất ít (Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua Quảng Trị thiếu khoảng 0,16 triệu m3, cầu Mỹ Thuận 2 thiếu khoảng 0,04 triệu m3), các dự án còn lại thiếu khối lượng lớn, gồm: Mai Sơn - QL45 (thiếu 7,13 triệu m3), Cam Lộ - La Sơn (đoạn qua Thừa Thiên Huế thiếu 1,9 triệu m3), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (thiếu 7,5 triệu m3), Phan Thiết - Dầu Giây (thiếu 4,5 triệu m3).
“Các dự án này cần đủ đất đắp nền đường ngay trong năm 2021, nếu không sẽ bị chậm tiến độ thi công”, văn bản của Bộ TN&MT nêu rõ.
Bên cạnh đó, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam mới khởi công hoặc đang lập thiết kế bản vẽ thi công cũng thiếu nhiều nhưng chưa có nhu cầu sử dụng ngay, gồm: QL45 - Nghi Sơn (5,5 triệu m3), Nghi Sơn - Diễn Châu (7,3 triệu m3), Diễn Châu - Bãi Vọt (6,85 triệu m3), Nha Trang - Cam Lâm (5,56 triệu m3), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (4,4 triệu m3).
Báo cáo của Bộ TN&MT nêu rõ, để cung cấp vật liệu đắp nền đường cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trước khi triển khai dự án các địa phương đã quy hoạch 204 mỏ đất, gồm: 77 mỏ đã cấp phép khai thác, 112 mỏ chưa đủ điều kiện khai thác và 15 mỏ đã quy hoạch nhưng không đủ trữ lượng làm đất đắp nền.
Theo Bộ TN&MT, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 (16/6/2021) đến ngày 15/9/2021, có 17 mỏ đất được cấp phép mới và 4 mỏ đất được nâng công suất lên đến 50% (Bình Thuận: 3 mỏ, Thừa Thiên - Huế: 1 mỏ).
Liên quan công tác quản lý giá bán vật liệu xây dựng, kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều địa phương không công bố giá đất san lấp, hoặc chỉ công bố khi có đề nghị của ban quản lý dự án (Thanh Hóa), có công bố giá đất san lấp nhưng không bao gồm loại đất có K95 và K98 phục vụ cho dự án (Thừa Thiên Huế).
Đánh giá của Bộ TN&MT cho biết, sau khi Nghị quyết 60 của Chính phủ ban hành, công tác rà soát, giải quyết thủ tục cấp phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường làm vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc.
Điển hình, số lượng các mỏ quy hoạch cung cấp cho dự án nhưng chưa cấp phép khai thác khá nhiều, phần lớn là các mỏ mới cấp phép đang thăm dò (28 mỏ) hoặc đã thăm dò nhưng chưa cấp khai thác (45 mỏ), chưa cấp phép thăm dò (33 mỏ) nên cần thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường để cấp phép khai thác.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh,… số lượng các mỏ đất sét đã cấp phép khai thác khá nhiều, trữ lượng vượt quá nhu cầu đất đắp nền đường nhưng công suất theo giấy phép khai thác thấp hoặc rất thấp (chiếm gần 65%).
“Nếu nâng công suất khai thác tối đa đến 50% theo Nghị quyết 60 của Chính phủ, chỉ tăng được 10-30% tổng nhu cầu vật liệu đất đắp nền trên địa bàn, đặc biệt là nhu cầu năm 2021”, Bộ TN&MT nêu rõ.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một trong số các dự án đứng trước nguy cơ chậm tiến độ
nếu không có đủ nguồn đất đắp nền đường trong năm 2021
Kiến nghị nâng công suất khai thác mỏ theo nhu cầu dự án
Để kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc cung cấp đất đắp nền đường cung cấp cho dự án và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh nội dung Nghị quyết 60 như đề nghị của Bộ GTVT tại Công văn 9608 ngày 15/9/2021: “Cho phép UBND tỉnh nơi dự án đi qua được điều chỉnh nâng công suất khai thác theo nhu cầu của dự án thành phần trên địa bàn địa phương”.
Việc quyết định nâng công suất phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Sau khi cung cấp đủ khối lượng cho dự án thành phần trên địa bàn sẽ dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Bộ TN&MT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh nơi dự án đi qua thường xuyên chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá xây dựng, công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn đầy đủ, kịp thời, phù hợp với biến động giá thực tế tại địa phương (bao gồm cả vật liệu đất đắp).
“UBND các tỉnh thành có dự án đi qua cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để xử lý các hành vi vi phạm theo quy định, kiên quyết thu hồi giấy phép khai thác đối với các tổ chức, cá nhân không cung cấp vật liệu cho dự án đã nêu trong giấy phép khai thác và quy định của Nghị quyết 60”, Bộ TN&MT đề nghị.
Về giải pháp lâu dài, Bộ TN&MT đề nghị Chính phủ xem xét, kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành một số luật sửa nhiều luật, trong đó có Luật Khoáng sản liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có vật liệu cung cấp cho dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì thực hiện nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá nguồn vật liệu cung cấp cho đường cao tốc (đất san lấp, đá xây dựng, cát san lấp) đối với 4.000km đường cao tốc còn lại làm cơ sở để Bộ GTVT chủ động về nguồn vật liệu khi lập nghiên cứu khả thi.
“Đề nghị Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, đánh giá tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về vật liệu san lấp nền đường cao tốc để điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình sử dụng vật liệu san lấp nền đường cao tốc ở khu vực và trên thế giới”, Bộ TN&MT đề xuất.