Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri phản ánh trong giới hạn phần đất của đường bộ, hành lang đường bộ, Nhà nước chưa thực hiện đền bù "tầm ảnh hưởng" của việc quản lý hành lang an toàn giao thông mà vẫn xác lập vi phạm xây dựng, sử dụng hành lang ngoài mục đích giao thông, điều này mâu thuẫn với quyền sử dụng đất của người dân được quy định tại Luật Đất đai (đất sử dụng cho giao thông thuộc quyền sử dụng đất của nhân dân, nhân dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.
Về kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương, Bộ GTVT có ý kiến như sau:
Phạm vi đất dành cho đường bộ được quy định tại Điều 43 Luật Giao thông đường bộ: “Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Trong phạm vi đất dành cho đường bộ, không được xây dựng các công trình khác, trừ một số công trình thiết yếu không thể bố trí ngoài phạm vi đó những phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ; Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ công trình đường bộ thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục, nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi và bồi
thường theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 4 Điều 52 Luật Giao thông đường bộ quy định: UBND các cấp tổ chức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương; bảo vệ hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm cụ thể của UBND các cấp trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 42 Nghị định số 11/20210/NĐ-CP của Chính phủ.
Quy định về Theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020, trong đó quy định: Từ năm 2018 đến năm 2020, thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; từng bước bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở trên tất cả các tuyến quốc lộ còn lại;
Việc bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ được thực hiện theo các quy định cụ thể tại Điều 10, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ; tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Do chưa được bố trì kinh phí, việc thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ vẫn chưa thực hiện được; nhiều trường hợp người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị hạn chế khả năng sử dụng đất nhưng chưa được đền bù.
Đối với công trình thiết yếu (điện lực, xăng dầu, khí, viễn thông, cấp, thoát nước) được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho phép xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (Điều 27 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) mà chưa thực hiện đền bù cho người dân được cấp quyền sử dụng đất, chủ đầu tưcông trình thiết yếu phải thực hiện đền bù hoặc bồi thường cho người dân đối với phần đất mà công trình thiết yếu xây dựng trên đó trước khi triển khai xây dựng công trình thiết yếu.
Để tháo gỡ vấn đề cử tri phản ánh, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục rà soát diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ (đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân và tổ chức) và có phương án về quỹ đất và nguồn tài chính để thu hồi diện tích đã cấp, nhằm giải quyết các bất cập hiện nay đối với phần đất đã được cấp quyền sử dụng đất cho người dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ bị hạn chế khả năng sử dụng đất.
Trường hợp công trình và các tài sản khác nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT, an toàn công trình đường bộ, cơ quan quản lý đường bộ phối hợp với cơ quan quản lý đất đai của địa phương lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT, trân trọng gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trả lời cử tri./.