Tham dự lễ ra mắt có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng và lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hà Nội. Sự kiện diễn ra tại trạm depot Vinbus - Khu đô thị Vinhomes Smart City, Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại sự kiện
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian qua, TP Hà Nội, các sở, ngành, đơn vị vận tải trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để mạng lưới xe buýt Thủ đô ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân. Đồng thời nhằm hướng tới mục tiêu thuận tiện, an toàn, thu hút người dân sử dụng xe buýt, góp phần giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm UTGT, TNGT và ô nhiễm môi trường.
UBND TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trong đó có chú trọng việc phát triển loại hình xe buýt nhằm thay thế dần phương tiện cá nhân. Vấn đề này đã xác định rõ tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 04/7/2017 và Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030”. Một trong các giải pháp đó là việc phát triển loại hình xe buýt thân thiện với môi trường.
Trong những năm vừa qua, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước vấn đề này, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Việc đưa vào thí điểm xe buýt điện trong vận tải hành khách công cộng cần phải có một giải pháp mới mang tính đột phá, từng bước đạt được mục tiêu từ 5 - 20% số lượng đoàn xe buýt trên địa bàn sử dụng nhiên liệu sạch (chạy bằng khí nén CNG, động cơ điện).
Lễ cắt băng khánh thành tuyến xe buýt điện đầu tiên ở Việt Nam.
“Với sự đầu tư đồng bộ từ phương tiện, cơ sở vật chất dịch vụ kèm theo các công tác quản lý điều hành một cách khoa học, khẳng định đây sẽ là dẫn đầu một mô hình mới đáp ứng song song yêu cầu của TP trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng, nhưng cũng đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh, Hà Nội đề nghị VinBus tiếp tục quan tâm, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ TP đã giao, mạnh dạn trong tư duy, đổi mới, tạo hình ảnh xe buýt Thủ đô văn minh - hiện đại - thân thiện môi trường. Từ đó, đáp ứng được sự mong mỏi của đông đảo Nhân dân và hành khách đi xe buýt góp phần nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô.
Tuyến xe buýt điện đầu tiên có số hiệu E03 chạy qua các tuyến đường trung tâm, kết nối phía Đông và phía Tây Hà Nội với 15 điểm dừng bao gồm: Mỹ Đình (Hàm Nghi) - Nguyễn Hoàng - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - Khu đô thị Ocean Park.
Cũng trong tháng 12, VinBus sẽ triển khai thêm tuyến E05 với lộ trình Long Biên - Yên Phụ - Thanh Niên - Thụy Khuê - Đào Tấn - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Hùng - Đại Lộ Thăng Long - KĐT Smart City; tuyến E01 với lộ trình: Bến xe Mỹ Đình - Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi - Trường Chinh - Đại La - Minh Khai - Cầu Vĩnh Tuy - Aeon Mall Long Biên - Cổ Linh - Khu đô thị Ocean Park.
Tần suất hoạt động của các tuyến từ 15 - 20 phút/chuyến, hoạt động xuyên suốt từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm hàng ngày.
Các tuyến của VinBus đều nằm trong hệ thống giao thông công cộng chung của TP. Kết nối các khu vực đông dân cư, trường học, bến xe, khu đô thị, khu vui chơi giải trí và những điểm chung chuyển xe buýt lớn cũng như tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.