Ảnh minh họa
Nội dung kiến nghị như sau: Kiến nghị đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế; sớm đầu tư tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên)”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về nội dung đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không (CHK) Buôn Ma Thuột thành Cảng Hàng không Quốc tế
a) Về hiện trạng: CHK Buôn Ma Thuột có cấp sân bay 4C theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); cấu hình đường cất hạ cánh kích thước 3.000mx45m, 05 vị trí đỗ máy bay; nhà ga hành khách đáp ứng công suất khai thác 2,0 triệu hành khách/năm (tương đương 800 hành khách/giờ cao điểm). Với cấu hình nêu trên, CHK Buôn Ma Thuột hoàn toàn đáp ứng khai thác các loại tàu bay code C (như A320, A321, B767 và tương đương).
b) Về tình hình khai thác: Sản lượng hành khách thông quaCHK Buôn Ma Thuột tương đối ổn định trong những năm gần đây (khoảng 1,0 triệu hành khách/năm1 ). Hiện nay CHK Buôn Ma Thuột đang khai thác các đường bay đi/đến 07 tỉnh/thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Cần Thơ; chưa khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ.
c) Về điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế: Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các CHK được phép khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ (Điều 80). Theo Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay, tại khoản 1 Điều 40 quy định điều kiện cho phép chuyển CHK quốc nội thành CHK quốc tế: “a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc” và “c) Cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn vùng trời, đường bay và phương thức bay phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế”. Theo quy định của ICAO2, CHK phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế phải bố trí bộ phận hải quan, công an, xuất nhập cảnh, y tế công cộng, kiểm dịch được cấp phép. Như vậy, để khai thác các chuyến bay quốc tế, CHK cần đáp ứng các tiêu chí về bố trí khu vực làm việc của các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn vùng trời, đường bay, phương thức bay phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế. Cơ sở hạ tầng tại CHK Buôn Ma Thuột hiện nay cơ bản đủ điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế.
d) Về quy hoạch: Thực hiện Luật Quy hoạch, vừa qua Bộ GTVT đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không,sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó CHK Buôn Ma Thuột được hoạch định là CHK quốc nội. Quá trình nghiên cứu xây dựng Quy hoạch, trên cơ sở quy định của ICAO và kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới (Hoa Kỳ, Australia …), hồ sơ Quy hoạch đã xây dựng định hướng chuyển CHK quốc nội thành CHK quốc tế, cụ thể “Các CHK quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ. Để đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống CHK, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành CHK quốc tế”. Định hướng nêu trên bảo đảm tính linh hoạt khi xem xét tới nhu cầu khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ, ổn định, xây dựng được đường bay và phương thức bay, xác định được vùng trời phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế theo quy định.
Như vậy, căn cứ theo định hướng quy hoạch và điều kiện cơ sở hạ tầng hiện tại, CHK Buôn Ma Thuột có thể khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ (Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam), phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trước mắt Bộ GTVT đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ đi/đến CHK Buôn Ma Thuột nhằm mục đích khảo sát, đánh giá và phát triển thị trường bay quốc tế. Sau thời gian khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ, nếu tần suất các chuyến bay quốc tế tăng cao và nhu cầu khai thác ổn định các chuyến bay quốc tế thường lệ (trung bình khoảng 03-05 chuyến/tuần, tương đương khoảng 30 – 40 nghìn hành khách quốc tế/năm), BGTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển CHK Buôn Ma Thuột thành CHK quốc tế.
2. Về nội dung đầu tư tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên)
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tuyến đường sắt từ thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) không nằm trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Về vấn đề này Bộ GTVT đã trả lời rõ với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tại Văn bản số 9112/BGTVT-KHĐT ngày 31/8/2021; đồng thời đã gửi thông tin tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri tại Văn bản số 11690/BGTVT-KHĐT ngày 04/11/2021. Theo đó, quá trình nghiên cứu xây dựng 05 quy hoạch chuyên ngành (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không), Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án kết nối giao thông giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Để bảo đảm tính hiệu quả đầu tư giữa các phương thức vận tải, trên cơ sở đánh giá các yếu tố kinh tế - kỹ thuật, kết quả nghiên cứu cho thấy việc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa thành tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang – Cảng Vân Phong là phù hợp với một số lý do như sau:
- Đường bộ cao tốc có tính linh hoạt cao hơn so với đường sắt, có thể đáp ứng phục vụ cả chức năng vận tải liên tỉnh, kết hợp với vận tải nội tỉnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực tuyến đi qua;
- Đường bộ cao tốc có thể vượt qua các khu vực có điều kiện địa hình khó khăn với độ dốc tối đa lên đến 6%, trong khi đó đường sắt chỉ cho phép vượt độ dốc tối đa 0,2%. Trường hợp độ dốc lớn, đường sắt chỉ phù hợp với vận tải hành khách, đường sắt nhẹ, phục vụ du lịch thuần túy.
- Chi phí đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc rẻ hơn so với đầu tư đường sắt nên việc huy động nguồn lực đầu tư, vận hành khai thác hiệu quả hơn. Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công tuyến đường bộ cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong trong giai đoạn 2021- 2025. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc này sẽ không còn nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.