Kết nối đồng bộ
Năm 1997, hệ thống giao thông của Bình Phước, nhất là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh xuống cấp trầm trọng. Trong 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200km thì đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất chiếm gần 84%. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng: Muốn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh thì giao thông phải đi trước một bước. Với chủ trương đó, Bình Phước đã đầu tư mạng lưới giao thông theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện theo Quyết định số 99/1999/QĐ-UB ngày 10-5-1999 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh, giai đoạn 1997-2020. Giai đoạn 2 thực hiện theo Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 14-5-2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 và định hướng năm 2030.
Người dân xã Minh Long, huyện Chơn Thành phấn khởi khi đường ĐT751
được nâng cấp mở rộng, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Sau 25 năm tái lập, đến nay, hạ tầng giao thông của Bình Phước đã có bước phát triển đột phá, kết nối đồng bộ, hiện đại. Hiện toàn tỉnh có 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 9.102km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch với điểm nhấn là 3 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 228,9km, gồm 79,9km quốc lộ 13, 106km quốc lộ 14 và quốc lộ 14C, đoạn đã nâng cấp từ ĐT741 dài 43km, đoạn quy hoạch còn lại đang chờ nâng cấp khoảng 88,1km. Bên cạnh đó, hệ thống đường tỉnh cũng được xây dựng đồng bộ, gồm 15 tuyến với tổng chiều dài 544,18km. Đường huyện và các tuyến đường huyết mạch tới các xã, thị trấn được nhựa hóa 100%. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xây dựng được 6.900km đường giao thông. Trong đó, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với 3.900km đường bê tông triển khai theo cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt từ năm 2019, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 2.000km, tạo chuyển biến tích cực đời sống người dân vùng nông thôn.
Theo ông Nguyễn Hữu Luật, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, những ngày đầu tái lập tỉnh, đường giao thông của Bình Phước vô vàn khó khăn, đặc biệt là đường từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, nhất là xã vùng sâu, xa. Lãnh đạo tỉnh quan niệm, đường giao thông giống như mạch máu của nền kinh tế, chính vì vậy tỉnh tập trung các nguồn lực để xây dựng các tuyến đường. Do kinh tế của Bình Phước những năm đầu quá khó khăn nên tỉnh đã huy động các nguồn lực, bao gồm xin chi viện của Trung ương, chi ngân sách tỉnh, huy động sức dân, kết hợp phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỉnh vận động các doanh nghiệp huy động vốn làm đường theo hình thức BOT. Do làm tốt các giải pháp nêu trên nên Bình Phước mới có được hệ thống giao thông thuận lợi, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hạ tầng giao thông hiện đại đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thu hút các nhà đầu tư, tạo liên kết giữa các vùng, miền, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh phát triển. Hiện nay, quốc lộ 14 kết nối Bình Phước với các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thương mà còn rút ngắn khoảng cách về kinh tế giữa Bình Phước với các tỉnh lân cận. Quốc lộ 13 thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã kết nối Bình Phước với các nước bạn Campuchia, Lào, Thái Lan. Nhờ cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, Bình Phước nhanh chóng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,66%, trong đó có 7 khu công nghiệp đã lấp đầy 100%. Toàn tỉnh cũng đã có 9.525 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 166.170 tỷ đồng. Nếu như trước kia, kinh tế ở các huyện vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu phụ thuộc vào cây điều, lúa nước thì nay hạ tầng giao thông phát triển cũng đã tạo đà cho các loại hình kinh tế phát triển.
Nền tảng phát triển kinh tế
Đường X-16, kết nối khu vực biên giới huyện Lộc Ninh sang nước bạn Campuchia được xây dựng và đã hoàn thiện tháng 6-2021 nhân kỷ niệm 44 năm Hành trình tìm đường cứu nước của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen
Ở các huyện Bù Đăng, Bù Đốp và Bù Gia Mập, nhiều trang trại kinh tế nông nghiệp được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đường giao thông thuận lợi, các loại phương tiện đều có thể tới tận vườn, rẫy thu mua, vận chuyển nông sản, nông dân không còn sợ cảnh bị tư thương ép giá, vấn đề còn lại của các nông trại là phải tạo ra được sản phẩm nông nghiệp đạt cả về chất và lượng, đáp ứng thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã ban hành Chương trình đột phá “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó có mục tiêu từng bước hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực phát triển và thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn để triển khai hoặc phối hợp triển khai các dự án: Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Đắk Nông với tổng mức đầu tư dự kiến 5.700 tỷ đồng; tuyến đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng mức đầu tư dự kiến 25.000 tỷ đồng; quốc lộ 14C kết nối Đắk Nông với Bình Phước qua Tây Ninh, Long An, tổng mức đầu tư dự kiến 767 tỷ đồng... Các dự án này, tỉnh phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh có cao tốc đi qua triển khai thực hiện.
Bình Phước còn ưu tiên đầu tư các trục đường song song, trục kết nối với các tuyến ĐT741, quốc lộ 13, quốc lộ 14 và các tuyến đường tránh nội ô các đô thị. Tiếp tục triển khai xây dựng đường Đồng Phú - Bình Dương, nâng cấp các tuyến đường kết nối giữa các vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ, đặc biệt là ưu tiên 2 huyện trọng điểm là Đồng Phú và Chơn Thành. Hình thành tam giác phát triển: Đồng Phú - Đồng Xoài - Chơn Thành. Tỉnh tiếp tục ưu tiên ngân sách cho các địa phương phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện, thực hiện cơ chế đặc thù để làm đường giao thông nông thôn.
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, để thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư thì phải có đường giao thông, do vậy tỉnh nghèo thì mình làm đường giao thông theo kiểu nghèo. Cụ thể là đối với các tuyến quốc lộ 13, ĐT741, khi chưa có vốn làm đường thì ta làm công tác giải tỏa hai bên trước, có vốn sẽ đầu tư sau. Phương án ấy hiệu quả nên sau này cũng được áp dụng cho các tuyến đường khác.
Với quan điểm, ưu tiên phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ chắc chắn sẽ thành hiện thực.