Các lĩnh vực chủ yếu có thể áp dụng Hệ thống giao thông thông minh (lntelligent Transport System – ITS) trong hoạt động giao thông đường bộ, đường cao tốc và đường đô thị là:
- Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ, xử lý khẩn cấp các sự cố giao thông.
- Hiện đại hóa các trạm thu phí tự động, trạm cân điện tử.
- Quản lý các đường trục giao thông chính, điều tiết giao thông bằng biển báo điện tử.
- Hệ thống thông tin cho người tham gia giao thông.
- Phổ cập giao thông tiếp cận.
- Khai thác, điều hành hệ thống giao thông công cộng tiên tiến, chống ùn tắc giao thông (xe buýt, đường sắt đô thị, trung tâm đèn đường tín hiệu...).
- Sản xuất các phương tiện thông minh.
- Hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Nâng cao hiệu quả của thiết bị an toàn giao thông.
- Ứng dụng công nghệ điện tử tin học trong đào tạo, sát hạch và quản lý lái xe, kiểm soát tốc độ xe
lưu hành...
Phạm vi ứng dụng của ITS là rất đa dạng, phong phú trong các hoạt động GTVT. Riêng lĩnh vực giao thông đường bộ chúng ta cũng đã từng bước tiếp cận nghiên cứu, vận dụng ITS vào công việc sau:
- Thu phí đường bộ.
- Kiểm soát tải trọng ô tô tải nặng.
- Đào tạo, sát hạch lái xe.
Trong ngành GTVT, một loại đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai và bước đầu thu được kết quả khả quan. Điển hình là hệ thống thiết bị thu phí đường bộ đã lắp đặt, thử nghiệm trên xa lộ An Sương - An Lạc, trạm thu phí cầu Bính - Hải Phòng và một số trạm thí điểm trên Quốc lộ 1, 14... trong chương trình hiện đại hóa mạng lưới trạm thu phí của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với công nghệ mã vạch một dừng có tính đến công nghệ sóng radio hoặc hồng ngoại với quy trình thu phí không dừng; Hệ thống thiết bị sát hạch lái xe tự động (chương trình KT - KT) đã thành công tại Phú Thọ, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có những thành công ban đầu rất đáng khích lệ trong việc vận dụng ITS. Khi một số tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác thì việc ứng dụng ITS càng phải khẩn trương, ráo riết hơn nhằm bảo đảm giao thông an toàn tuyệt đối và nâng cao hiệu suất vận tải.
Việc ứng dụng chu kỳ đèn tín hiệu giao thông "Làn sóng xanh" nhằm điều tiết tối ưu đèn đường tín hiệu tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ phải nghiên cứu để góp phần hạn chế ùn tắc phương tiện đang lưu hành, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Việc sử dụng đài phát thanh (radio sóng ngắn) vào điều tiết giao thông cũng từng bước có hiệu quả tại Hầm đường bộ Hải Vân và Thủ đô Hà Nội. Phương Pháp này nếu được ứng dụng rộng rãi cũng sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trong đô thị và khu vực trọng điểm.
Tương tự, tai nạn xe ô tô chở khách cũng là vấn đề cần quan tâm để tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm hệ số an toàn cao. Việc sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) để xác đinh tốc độ tối đa cho phép cũng như hành trình chạy xe là hoàn toàn có thể thực hiện cho ô tô khách và toa xe đường sắt. Thiết lập "hộp đen” gắn trên xe ô tô khách để phục vụ công tác quản lý và bảo đảm an toàn giao thông cũng đã được khẩn trương xúc tiến. Chắc chắn rằng, thời gian tới đây các nhà quản lý GTVT đường bộ, các cơ quan chức năng và chủ doanh nghiệp vận tải sẽ phải hướng tới tới ITS để đạt được mục tiêu quản lý của mình nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích cho xã hội.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng là mục tiêu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có vai trò hết sức quan trọng cho việc ứng dụng ITS. Các thiết bì giám sát (camera), biển báo và đèn tín hiệu cảnh báo tự động sẽ là công cụ hữu hiệu cho việc hạn chế tai nạn và điều tiết, quản lý giao thông có hiệu quả.
Qua đó cho thấy: Hệ thống giao thông thông minh - ITS có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển GTVT của mỗi quốc gia hiện nay. Việc triển khai và áp dụng có chọn lọc cho từng lĩnh vực sẽ tạo nên những kết quả khả quan trong việc theo dõi, quản lý, bảo đảm an toàn, góp phần hạn chế tai nạn giao thông và chống ùn tắc trên mạng lưới giao thông đường bộ và đường đô thị.
Theo TS. Chu Mạnh Hùng – Vụ MT, Bộ GTVT