Hà Nội: Tăng kết nối giao thông từ tuyến Vành đai 4

Thứ năm, 20/01/2022 10:12
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 02/TTr-UBND về việc thẩm định nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo UBND TP, những năm qua, kinh tế cả nước đạt mức tăng trưởng tương đối cao, tình hình chính trị xã hội ổn định, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện… Đối với TP Hà Nội, để đạt được các mục tiêu phát triển được Đại hội Đảng các cấp đề ra, cần thực hiện các khâu đột phá, trong đó có việc cần thiết tập trung nguồn lực, triển khai đầu tư sớm các dự án quan trọng quốc gia, có sự lan tỏa lớn phát huy hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014km, đã đưa vào khai thác 1.163km, đang đầu tư 916km. Trong Vùng Thủ đô, mạng lưới đường bộ được quy hoạch theo dạng nan quạt gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm cùng hệ thống đường vành đai.

Trong đó, tuyến đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là tuyến vành đai liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng có điểm đầu giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai địa phận huyện Sóc Sơn TP Hà Nội đến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với chiều dài 102km, quy mô 6 làn xe cao tốc và được định hướng “Đối với các tuyến đường vành đai TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, liên kết hai bên tuyến đường sẽ xem xét quyết định đầu tư xây dựng công trình cầu cạn trên cao”.

Để khép kín tuyến đường vành đai đảm bảo phát huy hiệu quả tối ưu cần thiết xem xét đầu tư đồng bộ đoạn tuyến còn lại của đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến điểm cuối của đường Vành đai 4.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 tỉnh, TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, liên kết các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm thể phát huy hiệu quả các tuyến đường này, tạo dịch vụ vận tải chủ động và hiệu quả trong phát triển kinh tế khu vực. Dự án được xác định là giới hạn và hướng luồng giao thông quá cảnh không đi xuyên qua trung tâm TP Hà Nội theo quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội.

Do vậy, UBND TP Hà Nội cho rằng, việc sớm đầu tư dự án đường Vành đai 4 để phát huy hiệu quả của tuyến vành đai liên vùng, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh, liên kết các tuyến đường bộ hướng tâm. Đồng thời tạo dịch vụ vận tải hiệu quả, chủ động trong phát triển kinh tế khu vực.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:105619
Lượt truy cập: 176.231.323