Dự án Vành đai 3 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch
năm 2011 với quy mô 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh
và đường song hành hai bên, mỗi bên tối thiểu 2 làn xe
Dự án có tổng chiều dài 91,64km, trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (qua Bình Dương) dài 15,3km đã được đầu tư 6 làn xe.
Giai đoạn 2 của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch sẽ kéo đến nút giao Thủ Đức, TP.HCM.
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 dự án dài hơn 76km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Cũng ở giai đoạn 1, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe.
Tổng mức đầu tư 75.777 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỉ đồng.
Về tiến độ, từ 2022 - 2023 chuẩn bị, thực hiện đầu tư; quý IV/2023 khởi công dự án; năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và năm 2026 hoàn thiện tuyến đường.
Theo UBND TP, dự án Vành đai 3 là dự án lớn, để có thể cân đối nguồn lực thực hiện với mục tiêu khép kín, thông tuyến toàn bộ dự án, cần phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1, giai đoạn hoàn thiện). Việc này sẽ đảm bảo hài hoà giữa các tiêu chí hiệu quả đầu tư, tổ chức giao thông, khai thác quỹ đất dọc tuyến và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án.
Về phương án đầu tư công, tờ trình đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần ở địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần ở Long An.
Với vốn ngân sách địa phương, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép 4 địa phương rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương để bố trí cho dự án Vành đai 3.
Đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn này. Cụ thể như từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND các địa phương quản lý, từ nguồn thu sử dụng đất...
Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 được xác định là tuyến đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị vệ tinh của TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần phát triên kinh tế - xã hội.