Tại Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng với quan điểm có mặt bằng đến đâu thi công cuốn chiếu đến đó nên đơn vị thi công là Công ty cổ phần KEHIN đã huy động thêm nhân lực, máy móc thi công các hạng mục đang dở dang để cho anh em công nhân nghỉ về quê đón Tết từ ngày 28 Tết.
Ông Văn Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần KEHIN cho biết: Dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ Quốc lộ 2 tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường Vành đai 3 có chiều dài hơn 6 km được khởi công đầu năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, được chia làm 2 gói thầu. Tại gói thầu 1, đơn vị đang thực hiện đào lớp đất hữu cơ, xác định ranh giới giữa dự án với ruộng của các hộ dân. Còn tại gói thầu 2, đoạn đi qua xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên và xã Bình Định, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công do vướng mặt bằng và đi qua nhiều vị trí ao, đầm mất nhiều thời gian theo dõi lún. Đặc biệt, có nhiều đoạn ngập nước phải thực hiện ngăn hào, bơm nước, sau đó phải để hai đến ba ngày cho khô ráo mới tiếp tục thi công được.
Có mặt bằng đến đâu, Công ty cổ phần KEHIN huy động máy móc, lực lượng thi công đến đó
Theo ông Long, đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh. Khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ kết nối giao thông với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2B, đường Kim Ngọc, đường song song đường sắt, cầu Đầm Vạc, đường Vành đai 3 và cầu Vân Phúc sang thành phố Hà Nội. Đồng thời, tạo kết nối giữa các khu du lịch, dịch vụ, đô thị, hình thành tuyến đường kết nối các vùng cung cấp sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. “Để đáp ứng yêu cầu tiến độ cũng như bảo đảm yếu tố kỹ thuật cho toàn bộ tuyến đường, đơn vị đã bố trí máy móc chuyên dụng, lựa chọn cán bộ kỹ thuật, kỹ sư có trình độ chuyên môn tập trung xử lý gia cố nền đất yếu để tiến hành các hạng mục tiếp theo ngay sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình.”- ông Long cho biết.
Tại Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 307B huyện Sông Lô đoạn từ xã Nhạo Sơn đến ngã ba thị trấn Tam Sơn khí thế thi công tại vị trí còn lại của tuyến đường cũng khá khẩn trương để hoàn thành, thông xe toàn tuyến trước ngày 28 tết.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sông Lô, dự án được khởi công từ năm 2018, với chiều dài 2,43km, chiều rộng nền đường 22m, chiều rộng mặt đường 15m, vận tốc thiết kế 50km/h, tổng mức đầu tư được duyệt là 110 tỷ đồng do liên danh Công ty Cổ phần Kehin và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Hưng thi công. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2020. Tuy nhiên, quá trình thi công phải xin gia hạn thời gian do nhiều hộ dân không đồng ý với đơn giá bồi thường về đất, tài sản của nhà nước. Một số vị trí thi công phát sinh vướng mắc, không thể triển khai thi công theo hồ sơ thiết kế được duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức thủ tục điều chỉnh, bổ sung. Bên cạnh đó, do hiện trạng trên tuyến có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, nước sạch, thông tin liên lạc, kênh tưới tiêu… nên quá trình thực hiện phải phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức di chuyển.
Để tháo gỡ các khó khăn trên, UBND huyện đã chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng vận động người dân chấp hành chủ trương của Nhà nước trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế thi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành 97% khối lượng và sẽ hoàn thành, bàn giao toàn tuyến trước 28 tết.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, để từng bước hoàn thiện khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc, thời gian qua, tỉnh luôn ưu tiên nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành lân cận để phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh. Các tuyến đường, công trình giao thông, cầu lớn vượt sông đã được hình thành, nâng cấp và mở rộng như đường từ cầu Bì La đi Lập Thạch; đường Hợp Thịnh- Đạo Tú; tuyến đường ven chân núi Tam Đảo, đoạn từ Đại Lải đi Tây Thiên; tuyến đường kết nối trục Bắc Nam (Vĩnh Phúc) với trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 2B nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng cầu Vĩnh Phú kết nối tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Phú Thọ…Qua đó khai thác tối đa thế mạnh của từng phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đúng hướng.