Nhiều năm qua, 15 hộ đồng bào dân tộc Dao ở tổ 2, thôn 5, xã Đường 10 sống trong cảnh “3 không” - không điện lưới quốc gia, không đường bê tông, không nước sạch sinh hoạt. Đây còn là thôn xa nhất, khó khăn nhất, nằm cách trung tâm xã Đường 10 khoảng 20km. Do vậy, khi có chủ trương làm đường giao thông theo cơ chế đặc thù thì 100% hộ dân đồng tình hưởng ứng.
Ông Trương Đình Lôi, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 5 cho biết: Ngoài các hộ sống dọc đường trục chính của thôn, còn nhiều hộ sống rải rác trong rẫy. Nhận thức được tầm quan trọng của đường giao thông đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nên khi thôn tổ chức họp dân bàn giải pháp làm đường thì các hộ đồng ý ngay. Những hộ có nhiều rẫy tự nguyện đóng góp phần nhiều và những hộ nghèo, cận nghèo được xem xét miễn giảm. Còn lại, tổng kinh phí đối ứng với Nhà nước được chia đều cho các hộ trực tiếp thụ hưởng.
Tuyến đường giao thông nông thôn làm theo cơ chế đặc thù tại
tổ 2, thôn 5, xã Đường 10, huyện Bù Đăng sẽ là bệ phóng cho sự phát triển kinh tế - xã hội
Để làm được tuyến đường rộng 3m, dài trên 1.000m, bình quân mỗi hộ đóng 10 triệu đồng. “Chúng tôi sẵn sàng mượn tiền của người thân, hàng xóm nộp đối ứng, tới mùa thu hoạch sẽ hoàn trả. Nay đường đã hoàn thành, hạnh phúc nhất là việc chở các cháu đi học thuận lợi vì trường học cách xa trên 15km” - anh Đặng Chòi Phin ở tổ 2, thôn 5, xã Đường 10 chia sẻ.
Để chuẩn bị cho mùa điều niên vụ 2021-2022 đang đến gần, ông Nguyễn Cao Phụng ở tổ 4, thôn 5, xã Đường 10 tranh thủ vào rẫy để phát cỏ, dọn cành khô, sẵn sàng thu hoạch. Ông Phụng cho biết: “Những năm trước, đường đất trơn trượt, buổi chiều lại hay mưa sớm nên hầu như bà con chỉ vào rẫy buổi sáng là về nên hiệu quả làm việc không cao. Nay có đường bê tông rộng rãi, xe máy và ôtô tải nhỏ có thể vào tận rẫy mua bán nên không bị tư thương ép giá. An ninh trật tự cũng được đảm bảo, không còn tình trạng lượm, mót điều trộm gây thất thoát, va chạm, xích mích xóm giềng”.
Trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tuyến đường bê tông xi măng thuộc tổ 4, thôn 5 dài trên 1km được hoàn thành rộng rãi, khang trang, sạch sẽ. Niềm mong ước bấy lâu nay thành sự thật nên gia đình ông Vi Văn Long quyết định xây dựng căn nhà Thái trị giá khoảng 1 tỷ đồng. “Nhiều năm phải sống cảnh bụi bặm, nhà cửa tạm bợ, gia đình tôi cũng muốn xây nhà nhưng việc vận chuyển vật liệu khó khăn, hơn nữa có nhà to, đẹp mà phải suốt ngày đóng cửa vì bụi thì cũng không đành. Nay có đường bê tông sạch sẽ, tôi làm nhà lớn cho gia đình thụ hưởng” - ông Long vui vẻ chia sẻ.
Mấu chốt của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là làm cho dân hiểu, dân tin, dân thực hiện, dân hưởng thụ. Ngoài vai trò của chi bộ, các chi hội, đoàn thể chính trị cấp thôn, xã còn phát huy tốt vai trò những người có uy tín trong khu dân cư trong phân tích, động viên bà con hưởng ứng chủ trương làm đường cũng như các công trình phúc lợi khác. Nhờ vậy, hầu hết nhân dân đồng tình ủng hộ. Bà con không chỉ tích cực đóng góp kinh phí mà còn tự nguyện hiến đất, chặt bỏ cây trồng, bàn giao mặt bằng để làm đường.
Phó chủ tịch UBND xã Đường 10 Đào Văn Long
|
Theo báo cáo của UBND xã Đường 10, toàn xã có gần 115km đường giao thông, trong đó khoảng 88% đạt tiêu chuẩn cứng hóa, bê tông xi măng và láng nhựa. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, bởi đó là sự cố gắng của một xã có 17 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51% và còn 2 thôn (1 và 5) được hưởng chính sách 135 của Chính phủ. Đạt được kết quả nêu trên, ngoài chủ trương, quyết sách đúng đắn, còn phải kể đến những đóng góp quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân của đội ngũ cán bộ thôn và những người có uy tín trong cộng đồng.
Rời xã Đường 10 trên những tuyến đường bê tông kiên cố, chứng kiến những vườn điều đang bắt đầu chín rộ, xen dưới là bạt ngàn cà phê với từng chùm hoa trắng muốt đang ngào ngạt tỏa hương, chúng tôi cảm nhận rõ vùng quê đang từng ngày phát triển. Và những tuyến đường bê tông xi măng vừa được bà con hoàn thành cách đây chưa lâu sẽ thực hiện sứ mệnh kết nối giao thương, tạo sức bật cho vùng quê ngày càng phát triển.