Tuyến đường kéo dài từ thôn Đồng Thắng qua bản Sông Moóc A, bản Sông Moóc B trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đưa vào sử dụng năm 2018, đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo cũng như nâng cao đời sống người dân các thôn, bản này.
Nếu như trước đây, đường giao thông các thôn, bản này nhỏ hẹp, gồ ghề đất đá, việc đi lại của người dân rất khó khăn, thì nay khi đường giao thông được đầu tư, nâng cấp rộng đẹp, nhiều loại phương tiện giao thông của người dân có thể di chuyển trên các tuyến đường này. Tuyến đường lại vòng qua vạt rừng hồi, nên bà con có thể di chuyển các phương tiện vào rừng để chăm sóc, thu hái và vận chuyển hồi đến nơi tập kết. Bên cạnh đó, tại những điểm mở rộng của tuyến đường còn được thương lái tận dụng đặt điểm thu mua hồi. Giao thông thuận tiện, bà con có thuận lợi hơn trong giao thương, trao đổi hàng hoá. Hồi của bà con thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó, không còn cảnh vì giao thương khó khăn mà hồi để rụng kín gốc như nhiều năm trước đây.
Đời sống người dân xã Đồng Văn ngày nay đã khấm khá hơn nhiều. Nhiều hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo; ngày càng xuất hiện nhiều ngôi nhà khang trang... Nếu như năm 2016, các thôn, bản: Đồng Thắng, Sông Moóc A, bản Sông Moóc B, số hộ nghèo chiếm đa số, thì nay chỉ còn vài hộ nghèo thuộc đối tượng không có sức lao động.
Cùng với xã Đồng Văn của huyện Bình Liêu, trong lộ trình về đích NTM nâng cao, một trong những khó khăn của xã Sơn Dương, TP Hạ Long cũng là hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn chưa đồng bộ. Để khắc phục những khó khăn này, năm 2021, xã Sơn Dương được phân bổ 27 công trình đường liên thôn, liên xóm và các đập tràn qua suối, trong đó có công trình đập tràn thôn Đồng Giữa.
Thôn Đồng Giữa là 1 trong 3 vùng chuyên canh với diện tích 30ha của xã Sơn Dương. Trước đây, vào mùa lũ, Đồng Giữa thường xuyên bị cô lập khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là lưu thông vận chuyển nông sản từ thôn Đồng Giữa về vùng trung tâm cũng như kết nối với các vùng canh tác khác rất khó khăn. Từ khi công trình đập tràn thôn Đồng Giữa hoàn thành và đưa vào hoạt động đã khắc phục hoàn toàn tình trạng chia cắt giữa hai bên cánh đồng vào mùa lũ, nâng cao hiệu quả vùng canh tác này; tạo thuận lợi cho người dân đi lại an toàn.
Hạ tầng được nâng cấp, hoàn thiện đã và đang góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại Sơn Dương. Đến nay, mức thu nhập của người dân xã Sơn Dương đạt trên 60 triệu đồng/năm. Riêng ở các vùng chuyên canh ổi , nhiều hộ có thu nhập trung bình 500 triệu đồng/ha/năm, từng bước hình thành hướng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, giá trị cao và có tính bền vững. Đây cũng chính là tiền đề để Sơn Dương phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo số liệu của Sở GTVT, từ các nguồn vốn Chương trình 135, Đề án 196 và Chương trình xây dựng NTM hơn 10 năm qua đã đầu tư, nâng cấp hàng ngàn công trình giao thông nông thôn. Riêng năm 2021, nguồn lực dành cho giao thông nông thôn gồm cả các tuyến đường liên huyện, xã và nối thôn, bản, xóm với trên 500 tỷ đồng. Năm 2022, trong khoảng 500 tỷ đồng nguồn vốn tỉnh dành cho các xã về đích NTM, NTM nâng cao, thì kinh phí dành cho hạ tầng giao thông chiếm 1/3.
Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh đã và đang là giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội địa bàn vùng nông thôn, nâng cao đời sống người dân.