Phát triển kinh tế rừng ở tỉnh Bắc Kạn đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có hơn 100.000ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 74,3%; hoạt động sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu khởi sắc, doanh thu xuất khẩu ngày càng tăng cao… Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, để đáp ứng cho hằng trăm nghìn héc-ta rừng trồng sản xuất, tỉnh cần phải đầu tư xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp là 1.655km. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới đầu tư xây dựng được gần 400km đường lâm nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ 20.000ha rừng trồng sản xuất. Để phục vụ cho việc vận chuyển lâm sản, vận chuyển cây con giống, vật tư phân bón (để trồng lại sau khai thác) đối với những diện tích rừng trồng đến tuổi khai thác trên cần phải đầu tư xây dựng thêm hơn 1.000km đường lâm nghiệp.
Một tuyến đường lâm nghiệp vừa được xây dựng ở xã Đổng Xá (Na Rì)
Nhằm từng bước khắc phục tình trạng này, từ nhiều năm qua, tỉnh đã huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn xây dựng nông thôn mới, vốn Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) và nguồn vốn xã hội hóa khác để tập trung xây dựng, mở mới các tuyến đường lâm nghiệp. Ngoài ra, các địa phương đang chú trọng xây dựng đường lâm nghiệp vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Thời điểm hiện nay, Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp đang thực hiện dự án đường lâm nghiệp với tổng vốn 200 tỷ đồng…
Để chủ động giải quyết khó khăn từ khâu vận chuyển lâm sản, các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng với diện tích lớn đã liên kết với nhau để tự đầu tư mở mới các tuyến đường lâm nghiệp. Khởi đầu là các cơ sở khai thác, chế biến, tiếp đó là các hộ dân hoặc nhóm hộ đã tự bỏ một khoản kinh phí lớn để thuê máy móc mở đường lên những cánh rừng gỗ đã đến tuổi khai thác. Đến thời điểm hiện nay, nhiều cánh rừng đã có đường lâm nghiệp từ chân lên đỉnh núi để vận chuyển thuận lợi hơn.
Phong trào làm đường lâm nghiệp phát triển nhất là ở huyện Chợ Mới. Nhiều cá nhân điển hình là tấm gương trong việc đầu tư mở đường lâm nghiệp cũng như đầu tư sản xuất, kinh doanh như: Ông Dương Văn Tiệp, ông Dương Văn Thập ở xã Như Cố đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mở nhiều tuyến đường xuyên qua các cánh rừng để khai thác gỗ; các hộ Nguyễn Đình Đồng, Phạm Văn Đức bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm đường ở xã Thanh Mai; Hoàng Văn Bách, Hoàng Văn Chỉ, Chu Quảng Đại… ở thị trấn Đồng Tâm mở được gần chục ki-lô-mét đường lâm sinh. Thực tế cho thấy, có con đường vận chuyển thuận lợi đã tạo động lực rất lớn để Nhân dân đầu tư trồng, chăm sóc, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.
Đồng chí Nguyễn Bá Việt- Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thanh Mai (Chợ Mới) cho biết: Xã có khoảng 3.500ha rừng nguyên liệu. Trước đây, đường đi lại không thuận tiện, việc phát triển rừng không hiệu quả do chi phí tăng cao. Nay nhiều tuyến đường lâm nghiệp ở chân núi được mở từ nguồn vốn của Nhà nước, cùng với đó, nhiều hộ dân và tư thương liên kết mở hàng chục ki-lô-mét đường nhánh lên rừng để vận chuyển lâm sản, tạo thuận lợi thúc đẩy kinh tế rừng phát triển.
Có thể thấy, kinh tế rừng ở tỉnh đã và đang phát triển nhanh góp phần xoá đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn hộ dân tham gia trồng rừng; đồng thời kinh tế từng đã hình thành thị trường dịch vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh từ sản phẩm gỗ rừng trồng, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để kinh tế rừng phát triển bền vững, việc đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp rất cần được chú trọng, đẩy nhanh nhằm tạo động lực để người dân phát triển sản xuất, mở rộng các diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.