Sở GTVT đã triển khai các phương án đảm bảo ATGT như tổ chức cắm các biển báo nguy cơ sạt lở, nguy hiểm tại các tuyến đường; sửa chữa, khắc phục điểm hư hỏng trên các tuyến đường huyết mạnh. Đồng thời, xây dựng phương án khắc phục ngay nếu xảy các điểm sạt lở do mưa bão tại các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện đảm bảo giao thông thông suốt. Lực lượng thanh tra cùng các lực lượng chức năng của tỉnh tổ chức tuần tra, kiểm soát và tiến hành lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động đối với các bến thủy và các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Lực lượng cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các tuyến đường, thống kê các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, kịp thời kiến nghị Ban ATGT tỉnh có biện pháp xử lý, khắc phục. Đồng thời, phân công lực lượng ứng trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các điểm ùn tắc, ngập lụt, sạt lở, các ngầm tràn khi có mưa to. Đặc biệt, chú trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường bộ đường thủy nội địa.
Đội cảnh sát giao thông, trật tự, Công an Na Hang kiểm tra việc thực hiện các
điều kiện an toàn đối với phương tiện giao thông đường thủy
Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 bến thủy nội địa, 39 bến đò ngang sông với 788 phương tiện đã đăng ký (trong đó có 231 phương tiện vận tải hành khách, 557 phương tiện vận tải hàng hóa). Trung tá Đào Việt Hà, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, đội đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa bão. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra Sở GTVT, Đội cảnh sát giao thông, trật tự các huyện tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa, các bến thủy, bến đò qua sông; phát tờ rơi đến chủ phương tiện, người tham gia giao thông đường thủy. Đơn vị tiến hành kiểm tra, yêu cầu ký cam kết và nhắc nhở chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với 100% các chủ phương tiện thủy, chủ bến phà, bến đò chở khách sông. Cùng với đó tích cực triển khai phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”; cương quyết xử lý đối với các chủ phương tiện vi phạm quy định về giao thông đường thủy.
Mùa hè là thời điểm khách du lịch đến với lòng hồ sinh thái Na Hang tăng mạnh. Trung tá Chẩu Ngọc Anh, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, trật tự, Công an huyện Na Hang cho biết: Huyện có 63 tàu, thuyền làm dịch vụ du lịch đưa đón khách đi tham quan trải nghiệm trên vùng lòng hồ và 300 thuyền khai thác thủy sản của người dân.
Đảm bảo an toàn cho du khách tham gia giao thông đường thủy, ngay khi bước vào mùa mưa bão, Đội đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên vùng lòng hồ và hạ lưu sông Gâm. Đội lập tổ công tác tăng cường kiểm soát các phương tiện hoạt động khu vực lòng hồ và sắp xếp việc neo đậu của các phương tiện đường thủy tại khu vực bến thủy.
Công an các huyện tổ chức cho chủ tàu thuyền ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; bố trí lực lượng tại bến thủy, bến đò để kiểm soát các chủ phương tiện thực hiện quy định về mặc áo phao cho khách trước khi rời bến. Đồng thời, cương quyết không cho tàu thuyền rời bến nếu không trang bị đủ áo phao cho du khách; kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sự cố về ATGT đường thủy.
Cùng với các biện pháp đảm bảo ATGT trong mùa mưa bão của cơ quan chức năng thì mỗi người tham gia giao thông phải luôn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ các quy định về bảo đảm ATGT đường bộ, đường thủy và tự trang bị những kỹ năng cần thiết, cẩn trọng khi lưu thông, tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.