Để kiểm soát và phòng ngừa TNGT đường thủy, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã có văn bản chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm… Cụ thể là rà soát về điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra các điều kiện
đảm bảo an toàn trước khi phà xuất bến
Đối với tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tiến hành tuần tra, kiểm soát trên 760 cuộc, với trên 2.700 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, đã phát hiện lập biên bản và ra quyết định xử phạt trên 600 lỗi vi phạm, thu giữ nhiều giấy chứng nhận chuyên môn không do cơ quan có thẩm quyền cấp, với tổng số tiền xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng. Song song đó, lực lượng Cảnh sát giao thông còn phối hợp với lực lượng chức năng địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nhiều phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép tại các địa bàn giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng.
Trung tá Lý Minh Quân - Phó Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông đường thủy Đại Ngãi, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm và phòng ngừa tai nạn được đơn vị thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, lực lượng của trạm tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như: Phương tiện không đăng ký, không ghi số người được chở, không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định, hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm.
Các chủ phương tiện luôn có ý thức cao trong
chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy nội địa
Chính nhờ việc thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nên ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy nội địa của chủ bến khách ngang sông luôn được đảm bảo. Ông Nguyễn Hùng Tuấn - chủ bến phà Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết: “Tuyến cố định này, tôi đăng ký chở 5 xe và 12 người, sông Hậu khá rộng, mùa mưa cũng có sóng to gió lớn nên không bao giờ dám “lén” chở quá tải, bởi đây là yếu tố dễ dẫn đến TNGT đường thủy. Đồng thời, phà luôn trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, chú trọng sắp xếp hàng hóa, hành lý, hướng dẫn hành khách ngồi bảo đảm ổn định phương tiện khi di chuyển”.
Là bến phà chuyên chở chủ yếu là học sinh nên ông Đỗ Tuấn Em - chủ bến phà Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thông tin rằng dù trước giờ bến của mình không xảy ra bất kỳ vụ TNGT đường thủy nào nhưng không vì thế mà chủ quan. Ông luôn thận trọng bắt buộc hành khách, nhất là học sinh phải cầm áo phao sẵn bên người để đề phòng những sự cố có thể xảy ra. Thói quen này được duy trì thường xuyên, dù có hơi bất tiện cho hành khách nhưng thật sự cần thiết vì sự an toàn.
Hiện nay, địa bàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 140 bến khách ngang sông với trọng tải khác nhau. Sóc Trăng là tỉnh có nhiều sông, kênh, rạch nên có nhiều ghe, tàu tham gia giao thông, đặc biệt là có nhiều tuyến phà ngang, phà dọc đang hoạt động. Chính vì thế, việc đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão được thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ là rất cần thiết, nhằm ngăn ngừa và hạn chế tai nạn có thể xảy ra. Trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý luôn được các trạm Cảnh sát giao thông đường thủy thực hiện nghiêm, hiệu quả, nhờ vậy mà không có trường hợp xảy ra TNGT đường thủy nội địa nào từ các bến khách ngang sông. Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông cũng tuần tra, kiểm soát nhiều phương tiện chở hàng hóa trên sông. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là xử phạt chở quá tải trọng của các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên đường thủy chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính, tiếp tục cho phương tiện lưu thông mà không thể buộc hạ tải vì không có vị trí tập kết hạ tải, phương tiện hạ tải, bến bãi bảo quản hàng hóa.