Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, tuy số vụ TNGT có giảm, song lại xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém, như điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia; chạy quá tốc độ quy định. Chưa kể, tình trạng phương tiện vận tải hàng hóa tự ý cải tạo và chở hàng quá tải, quá khổ, chủ yếu là các xe chở vật liệu xây dựng, san lấp, xây dựng công trình.
Do đó, với đợt cao điểm kiểm tra, xử lý lần này, ngành chức năng tập trung kiểm soát đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng kiểm soát ô tô khách, container và xe tải tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thành, nội thị và giao thông nông thôn, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT.
Lực lượng CSGT kiểm tra tình trạng chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành, thùng xe
Theo Thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT (CA tỉnh), qua phân tích dữ liệu các vụ TNGT gần đây cho thấy, khung giờ xảy ra TNGT chủ yếu từ 14 - 24 giờ hằng ngày. “Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, trong đó tập trung mạnh vào khung giờ từ 12 - 14 giờ và từ 18 giờ đến 1 giờ ngày hôm sau, nhằm tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của chủ phương tiện và các lái xe; đồng thời, phát hiện những bất cập để kịp thời xử lý”, thượng tá Hoài nói.
Đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT lần này sẽ kéo dài 3 tháng (từ ngày 20/6 - 20/9). CSGT tập trung xử lý ở các tuyến giao thông xa khu vực đông dân cư, điểm đen, điểm tiềm ẩn thường xảy ra TNGT, các khu vực phức tạp về trật tự xã hội.
Các lỗi như vi phạm nồng độ cồn; chạy quá tốc độ quy định; cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ trên đường; phương tiện thủy chở quá vạch dầu mớn nước an toàn, hàng hóa không hóa đơn chứng từ; cảng bến thủy nội địa không phép… đều bị áp dụng mức xử lý cao nhất và tạm giữ phương tiện theo quy định. Sau 1 tuần ra quân cao điểm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 228 trường hợp vi phạm, trong đó tạm giữ phương tiện gần 100 trường hợp, tước GPLX 68 trường hợp và phạt tiền gần 500 triệu đồng.
Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Giám đốc CA tỉnh Bình Định cho biết, cao điểm lần này được thực hiện đồng bộ ở cả 4 cấp CA theo chức năng nhiệm vụ, tuyến và địa bàn phân công phụ trách. Người đứng đầu CA các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng phức tạp về trật tự ATGT và TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại địa bàn. Cán bộ, chiến sĩ CAND chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; nghiêm cấm can thiệp, tiếp cận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Thủ trưởng CA các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Giám đốc CA tỉnh nếu có cán bộ, chiến sĩ uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây TNGT; xử lý trách nhiệm, kiểm điểm, kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ can thiệp, tiếp cận can thiệp vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông của các đơn vị chức năng.
“Mục đích lớn nhất là nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, nhằm giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, qua đó kéo giảm TNGT, nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, lực lượng CSGT từ tỉnh đến huyện tăng cường nhiều biện pháp, vừa mật phục hóa trang, lưu động, ghi hình; vừa lập chốt để kiểm tra xử lý, đảm bảo khép kín tuyến, địa bàn”, Đại tá Nam nói.