Cũng chính ý nghĩa nhân văn này nên khi những chiếc xe cứu thương bật đèn tín hiệu cấp cứu, còi hụ thì người dân khi tham gia giao thông cũng như lực lượng chức năng thường nhường đường, tạo điều kiện để xe di chuyển được thuận tiện, đưa bệnh nhân đi cấp cứu kịp thời.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua có những tài xế xe cứu thương đã tận dụng điều này để phóng nhanh, vượt ẩu. Có những trường hợp tài xế xe cứu thương không làm nhiệm vụ cấp cứu nhưng vẫn hú còi, chạy quá tốc độ… Trong số đó có cả xe cứu thương mang biển số xanh của các bệnh viện công lập… Điều này đã tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường theo dõi, xử lý những trường hợp xe cứu thương vi phạm. Thực hiện chỉ đạo này, các đội nghiệp vụ đã sử dụng hệ thống camera giao thông trên Quốc lộ 1A và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để theo dõi những phương tiện là xe cứu thương có biểu hiện vi phạm. Khi phát hiện, các đội sẽ báo cho các tổ đang tuần tra trực tiếp trên đường để dừng kiểm tra trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/6/2022), lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã theo dõi và phát hiện 46 trường hợp xe cứu thương vi phạm không làm nhiệm vụ cấp cứu nhưng vẫn bật đèn, còi hụ ưu tiên.
Một xe cứu thương vi phạm lỗi tốc độ
Bên cạnh việc theo dõi, xử lý các trường hợp xe cứu thương vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai lực lượng, tổ chức tuần tra kiểm soát, tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, vi phạm thời gian lái xe liên tục, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, tránh, vượt không đúng quy định, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; chở quá số người quy định…
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức 6.402 ca tuần tra kiểm soát, với 20.849 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua tuần tra đã phát hiện và lập biên bản 18.541 trường hợp vi phạm. Lực lượng Cảnh sát giao thông đã quyết định phạt tiền 19.530 trường hợp, nộp ngân sách hơn 26 tỷ đồng, tước 2.175 giấy phép lái xe, tạm giữ 3.417 phương tiện. Thông qua hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến quốc lộ 1A, cảnh sát giao thông đã dừng “xử phạt nóng” 2.805 trường hợp, gửi thông báo vi phạm 21.872 trường hợp; lập biên bản vi phạm hành chính theo thông báo 1.914 trường hợp. Cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt 4.874 trường hợp với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, tước 1.401 giấy phép lái xe.
Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.