Bến Tre: Quản lý luồng, tuyến, bến cảng bến thủy nội địa

Thứ tư, 20/07/2022 13:42

Hàng năm, Cảng vụ đường thủy nội địa (ĐTNĐ) tỉnh có lập kế hoạch thực hiện công tác bảo trì hệ thống báo hiệu, phát quang cây che khuất tầm nhìn nhằm phát huy tốt tác dụng của hệ thống báo hiệu. Thường xuyên thông báo kịp thời tình hình luồng lạch trên các tuyến cho các phương tiện lưu thông được biết.

Đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện
qua đoạn thi công cầu Rạch Vong trên sông Bến Tre.

Tuy nhiên, do nguồn vốn sự nghiệp giao thông được phân bổ hàng năm cho công tác quản lý đường thủy còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu so với tình hình thực tế. Do đó, Cảng vụ chỉ thực hiện được công tác tuần tra, kiểm tra tuyến 2 lần/quý.

Công tác bảo dưỡng báo hiệu cũng chỉ thực hiện luân phiên hàng năm chứ không đủ kinh phí để thực hiện bảo dưỡng đồng loạt các báo hiệu trong năm. Việc kinh phí bị hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác quản lý và bảo trì ĐTNĐ, cũng như trong việc thực thi nhiệm vụ về công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ được quy định trong Luật Giao thông ĐTNĐ.

Hiện tổng số lượng bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh là 377 bến, trong đó có 77 bến hành khách. Hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53 và Điều 54 của Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động ĐTNĐ, Cảng vụ ĐTNĐ đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Sau khi tổ chức triển khai, công tác quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa có nhiều chuyển biến. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Cảng vụ đã tuân thủ đúng quy trình nghiệp vụ do pháp luật quy định, bảo đảm thời gian, không gây phiền hà cho chủ phương tiện.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cao Minh Đức, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Đó là nhờ sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh sau khi chỉ thị được ban hành. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT của các ngành, các cấp được duy trì thường xuyên, kết hợp công tác tuyên truyền với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, mang tính răn đe, giáo dục, thuyết phục cao. Trong quá trình thực hiện, các ngành chức năng có liên quan luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, chấp hành nghiêm quy trình công tác, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT ĐTNĐ. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho người tham gia giao thông và người dân sống dọc các tuyến ĐTNĐ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông ĐTNĐ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, tình trạng phương tiện thủy vi phạm chở hàng hóa quá tải vẫn còn xảy ra nhiều. Việc tạm giữ các phương tiện vi phạm do vi phạm về trật tự ATGT đường thủy còn khó khăn, chưa đảm bảo với tình hình thực tế tại địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xử lý lỗi quá tải nhưng chưa có biện pháp hạ tải đúng quy định mới cho phương tiện lưu thông. Do các bến bãi tạm giữ không đảm bảo, quân số lực lượng chức năng mỏng nên việc phân công người tạm giữ các phương tiện vi phạm này không đảm bảo, dễ xảy ra nguy cơ thiệt hại tài sản phương tiện do chìm, hư hỏng hàng hóa.

Giải pháp thời gian tới

Chủ động nắm tình hình trật tự ATGT, trật tự xã hội và tình hình có liên quan, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, trật tự xã hội ĐTNĐ trên các tuyến, địa bàn được phân công phụ trách. Thường xuyên tham mưu, đề xuất, kiến nghị kịp thời các chủ trương, biện pháp giải quyết các vụ việc trên đường thủy, kiềm chế, kéo giảm TNGT đường thủy trên cả 3 tiêu chí...

 Tập trung tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng trong nhân dân, với nội dung, hình thức phong phú, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình trật tự ATGT, trật tự xã hội trên đường thủy. Đổi mới công tác tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy, phòng chống tội phạm, tập trung các đối tượng hành nghề hoạt động giao thông và sinh sống ven sông; duy trì, củng cố, nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”.

Thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy trọng điểm, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, nhất là những hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT; phòng ngừa, kiềm chế, kéo giảm TNGT.

Phối hợp tốt các đơn vị nghiệp vụ, công an cơ sở trong và ngoài tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên đường thủy; tổ chức nhiều cuộc tuần tra, mật phục trên các tuyến sông trọng điểm trong tỉnh và các tuyến giáp ranh; chủ động nắm tình hình, phòng ngừa tội phạm trên đường thủy như đối tượng khai thác cát trái phép, sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc khai thác thủy sản... gây mất trật tự ATGT, trật tự an toàn xã hội trên đường thủy.

Nguồn: Báo Đồng khởi

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:10533
Lượt truy cập: 176.447.993