Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND
tỉnh và đoàn công tác kiểm tra tuyến trên bản đồ
Hiện nay, tuyến đường kết nối từ Tổ dân phố Nà Nọi (thị trấn Nà Phặc) đến xã Thượng Quan (Ngân Sơn) có hiện trạng cơ bản là đường đất, chiều rộng khoảng 3m, chỉ đi được bằng xe máy và phương tiện thô sơ, chưa đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và giao thương của người dân.
Tuyến đường trực tiếp đi qua các thôn, tổ, gồm: Tổ dân phố Nà Nọi, Mảy Van (thị trấn Nà Phặc) và các thôn Sáo Sào, Tềnh Kiết, Nà Kéo, Nà Ngần (xã Thượng Quan); dự kiến số lượng hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn cụm xã đặc biệt khó khăn được hưởng lợi trực tiếp từ dự án là khoảng 2.600 hộ và hưởng lợi gián tiếp khoảng hơn 7.400 hộ thuộc huyện Ngân Sơn, trong đó, hộ dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 94%, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao.
Theo đề xuất dự án của UBND tỉnh Bắc Kạn, tuyến đường có điểm đầu giao với Quốc lộ 3 (khoảng Km197+900) tại Tổ dân phố Nà Nọi của thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn), điểm cuối giao với đường tỉnh ĐT252B (khoảng Km10+400) tại xã Thượng Quan (Ngân Sơn). Nguồn vốn ODA của và Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 234 tỷ đồng. Đường cấp V miền núi (TCVN 4054-2005), kết cấu mặt đường láng nhựa. Chiều dài tuyến khoảng 13km.
Dự án hoàn thành có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực trồng rừng, khai thác và chế biến lâm sản sau thu hoạch; góp phần ổn định đời sống dân cư, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao trình độ dân trí, đảm bảo ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, dự án góp phần mở rộng quy mô diện tích canh tác, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình sản xuất bền vững; tăng cường giao lưu, thông thương buôn bán nông, lâm sản giữa các xã của huyện, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế chung của tỉnh Bắc Kạn./.