Một bến thủy nội địa trên địa bàn huyện Châu Thành
Công tác quản lý
Hiện tổng số bến thủy nội địa (BTNĐ) đã được công bố, cấp phép hoạt động do Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre quản lý 197 bến. Bên cạnh đó, số BTNĐ hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh 78 bến (trong đó, có 34 bến nằm trong hành lang an toàn các công trình và 44 bến đang hoạt động không phép). Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT) và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các phương tiện vào xếp dỡ hàng hóa, hành khách tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động tại các BTNĐ. Kết quả đã xử lý vi phạm hành chính đối với 41 trường hợp phương tiện vào xếp dỡ hàng hóa, hành khách tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động. Đến nay, có 158/197 cảng, BTNĐ đã thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và 160/197 cảng, BTNĐ đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy cơ sở và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Song song đó, Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre đã xây dựng Quy chế phối hợp số 330/QCPH/CVĐTNĐBT-CVĐTNĐTG với Cảng vụ ĐTNĐ Tiền Giang về việc kiểm tra, quản lý, cấp phép phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch, nhằm đảm bảo an toàn đối với hành khách và kiểm tra, quản lý, giám sát phương tiện thủy nội địa hoạt động vận chuyển khách du lịch đúng quy định, tạo điều kiện cho phương tiện làm thủ tục xuất - nhập cảng, bến nhanh chóng, an toàn và đúng quy định.
Kế đến là Quy chế phối hợp số 332/QCPH-CVĐTNĐ-TTrS giữa Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre với Thanh tra Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành lĩnh vực giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, BTNĐ, góp phần lập lại tình hình trật tự, ATGT ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh.
Kiểm soát tải trọng
Đến nay, có 100% đối tượng thuộc diện quản lý thực hiện ký bản cam kết và niêm yết kiểm soát tải trọng theo quy định tại cảng, BTNĐ.
Tuy nhiên, trong hoạt động Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre còn những tồn tại, hạn chế như: Một số BTNĐ hiện có vị trí kết nối với đường bộ bị hạn chế tải trọng. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện xe cần có sự quan tâm thực hiện từ chủ cảng, bến. Đặc biệt, đối với việc kiểm soát tải trọng xe và tải trọng kết nối với đường bộ ra, vào khu vực cảng, BTNĐ trên địa bàn. Còn hơn 39 BTNĐ chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. 37 BTNĐ chưa thực hiện cam kết hoặc xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy.
Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre Huỳnh Thế Nhân cho hay: Những tháng còn lại của năm 2022, đơn vị tiếp tục siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải đối với hoạt động vận tải hành khách, du lịch trong việc đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi xuất bến. Đồng thời, tăng cường xây dựng các giải pháp về siết chặt kiểm soát tải trọng, hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng phương tiện thủy vận tải hàng hóa quá vạch dấu mớn nước; phương tiện vận tải hành khách quá sức chở người trên phương tiện; chấm dứt trình trạng xe quá tải trọng xuất phát từ cảng, BTNĐ thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, Cảng vụ ĐTNĐ Bến Tre còn đề ra nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 3/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải, ĐTNĐ; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ trong tình hình mới và định hướng nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT năm 2022 của Ủy ban ATGT Quốc gia. Triển khai đề án phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.