Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và hạ tầng giao thông, đặc biệt là cảng biển để phát triển hệ thống dịch vụ logistics.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn phát biểu tại diễn đàn
Đà Nẵng từng bước đảm nhận vai trò trung tâm logistics của khu vực, cửa ngõ chính ra biển của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC). Để thúc đẩy hoạt động thương mại xuyên biên giới tại các địa phương trên tuyến EWEC, Đà Nẵng cũng như 5 tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cùng với chính quyền các địa phương của Lào, Thái Lan, Myanmar đã có những chương trình, hành động cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển logistics như xây dựng và triển khai các quy hoạch, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dịch vụ logistics.
“Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố. Thành phố cũng đang quyết liệt triển khai công tác xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những định hướng lớn về phát triển hạ tầng, dịch vụ logistics cũng như đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn tới như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics, cảng cạn trên địa bàn thành phố. Đà Nẵng sẽ cùng các tỉnh, thành phố liên kết xây dựng hệ thống logistics hoàn thiện, hiện đại nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên EWEC kết nối với dòng chảy thương mại quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn cho biết.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, cơ sở hạ tầng logistics thành phố Đà Nẵng chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với EWEC và cả nước; đồng thời, chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn.
Ngoài ra, việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên và luồng hàng đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Theo bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafco, hiện có rất ít hãng tàu đến Đà Nẵng và nguồn hàng tại Đà Nẵng còn ít. Những khó khăn này chủ yếu từ việc hạ tầng của cảng Đà Nẵng chưa được đầu tư tương xứng và hiện đang quá tải.
Dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng,
tác động lớn đến tăng trưởng của thành phố.
Trong ảnh: Bốc xếp hàng container ở Cảng Tiên Sa
Ông Dương Tiến Lâm, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Asiatrans Việt Nam đề xuất, cần có sự đồng bộ về hạ tầng của các cảng tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút nguồn hàng về cảng Đà Nẵng cũng như thu hút các nhà đầu tư về Đà Nẵng.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình kết cầu hạ tầng trọng điểm như quy hoạch, tái thiết các khu đô thị xung quanh cảng biển, ga hàng hóa Kim Liên và Khu công nghiệp Liên Chiểu, xây dựng mới cảng Liên Chiểu; có kế hoạch dành quỹ đất cho việc nâng cấp sân bay Đà Nẵng, trong đó có giải pháp thiết kế, nâng cấp khu vực chuyên biệt phục vụ vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ hình thành các trung tâm đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao nhằm đào tạo nhân lực ở các cấp, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp…