Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Về dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, cử tri phản ánh tỉnh Bình Dương sẽ phải cân đối, bố trí khoảng 9.640 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong đó, giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 phải cân đối, bố trí 7.800 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 phải bố trí 1.840 tỷ đồng. Cử tri cho rằng tổng mức đầu tư này khá lớn so với tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân bổ là 40.562 tỷ đồng, do đó việc cân đối, bố trí vốn cho dự án này trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 là rất khó khăn. Đề nghị xem xét, có cơ chế để tỉnh Bình Dương bố trí đủ nguồn lực, đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư mất nhiều thời gian về kiểm kê, đo đạc, bố trí dự án tái định cư do tuyến đường đi qua nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, quỹ đất để bố trí tái định cư gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần có cơ chế phân quyền, phân cấp mạnh hơn trong triển khai dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho tỉnh Bình Dương chủ động trong quá trình triển khai Dự án.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:
Về việc bố trí nguồn lực, bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ: Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 57/2022/QH15 quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, ngoài nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 là 7.808 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 1.832 tỷ đồng, còn có các nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho Dự án. Ngoài ra, để bố trí đủ nguồn lực bảo đảm thực hiện Dự án, Quốc hội đã cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chuyển kiến nghị của cử tri để UBND tỉnh Bình Dương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí đủ nguồn lực thực hiện dự án theo Nghị quyết của Quốc hội nêu trên.
Về cơ chế phân quyền, phân cấp trong triển khai dự án Theo Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công và đã phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An là cơ quan chủ quản các dự án thành phần. Đồng thời, đã cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt về nguồn vốn đầu tư, tổ chức thực hiện dự án, cơ chế chỉ định thầu, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố chủ động trong quá trình triển khai Dự án.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.