Bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại Diễn đàn quốc tế về Hệ thống giao thông thông minh lần thứ 17 Busan - Hàn quốc, 25/10/2010-29/10/2010

Thứ sáu, 29/10/2010 17:51
Diễn đàn quốc tế về Hệ thống giao thông thông minh (ITS) lần thứ 17 vừa diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Diễn đàn quy tụ các quan chức chính phủ, các nhà quản lý, các học giả và chuyên gia các nước trên thế giới với chủ đề “Giao thông thông minh ứng dụng trong đời sống xã hội” nhằm đạt mục đích "Đi lại an toàn, thuận tiện và xanh". Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Đất đai, Giao thông vận tải và Hàng hải Hàn Quốc và Ban Tổ chức Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.

Diễn đàn quốc tế về Hệ thống giao thông thông minh (ITS) lần thứ 17 vừa diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc. Diễn đàn quy tụ các quan chức chính phủ, các nhà quản lý, các học giả và chuyên gia các nước trên thế giới với chủ đề “Giao thông thông minh ứng dụng trong đời sống xã hội” nhằm đạt mục đích "Đi lại an toàn, thuận tiện và xanh". Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Đất đai, Giao thông vận tải và Hàng hải Hàn Quốc và Ban Tổ chức Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng.
Sau đây chúng tôi trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại Diễn đàn quốc tế về ITS lần thứ 17.

Kính thưa:
- Ngài Chủ tọa diễn đàn;
- Toàn thể Quý vị đại biểu.
Trước hết tôi xin bày tỏ niềm vui mừng tham dự Diễn đàn Quốc tế về hệ thống giao thông thông minh (ITS) lần thứ 17 và xin chuyển lời chào mừng nhiệt liệt tới các quan chức Chính phủ cấp cao, các nhà quản lý, các học giả, các chuyên gia từ các nước đã tới dự Diễn đàn quan trọng với chủ đề “Giao thông thông minh ứng dụng trong đời sống xã hội” ngày hôm nay.
Thưa toàn thể Quý vị!
Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, với định hướng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và liên thông với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đã và đang thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng.
Tính đến năm 2009, hệ thống quốc lộ Việt Nam có tổng chiều dài là 17.211km, mạng lưới đường tỉnh khoảng 23.000 km, ngoài ra còn có các loại đường chuyên dụng, đường giao thông nông thôn khác. Hệ thống đường bộ cao tốc cũng đang được từng bước xây dựng với dự kiến kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành khoảng 2.500 km trên toàn bộ lãnh thổ.
Hệ thống cảng biển quy hoạch theo 6 nhóm, gồm 39 cảng lớn phân bố tại các vùng miền khác nhau dọc theo 3.300 km bờ biển. Dự kiến lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ở thời điểm 2015 là 500 - 600 triệu tấn/năm; năm 2020 vào khoảng 900 - 1.100 triệu tấn/năm và tăng lên đến 2.100 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2030.
Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, đạt mức tăng trưởng hành khách, hàng hóa trung bình hơn 10%/năm. Định hướng đến năm 2020, sẽ có 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa, trong đó có cảng hàng không quy mô lớn với công suất phục vụ từ 80 - 100 triệu khách/năm.
Mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện có tổng chiều dài 2.600 km, đang được phát triển theo hướng hiện đại hóa, nhanh chóng hình thành hệ thống đường sắt đô thị, đặc biệt là tại các đô thị lớn, từng bước xây dựng các tuyến đường sắt cấp cao và đường sắt cao tốc.
Thưa toàn thể Quý vị!
Đi đôi với sự tăng trưởng kinh tế, phương tiện giao thông ở Việt Nam cũng tăng vọt trong khoảng mươi năm gần đây, hằng năm xe gắn máy và ôtô tăng khoảng 10%, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 31 triệu xe gắn máy, hơn 1,6 triệu xe ôtô các loại và dự báo còn tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Do đặc điểm mật độ phương tiện giao thông tập trung ở một số đô thị lớn, thành phần tham gia giao thông hỗn hợp, phương tiện xe gắn máy quá nhiều, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông chưa thật cao, việc quản lý và điều khiển giao thông còn thủ công… nên việc kiểm soát và điều khiển giao thông một cách có hiệu quả, đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn ở Việt Nam hiện tại và trong tương lai đã thực sự trở nên rất cấp bách.
Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một giải pháp tổng thể, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, đồng bộ đã được phát triển và ứng dụng để hỗ trợ điều hành, kiểm soát, điều tiết giao thông, thu phí điện tử (ETC)… có hiệu quả cao ở nhiều quốc gia trên thế giới cho các tuyến đường ôtô cao tốc liên tỉnh, giao thông đô thị, sân bay, cảng biển, đường sắt và đường sắt cao tốc…
Việt Nam đã tiếp cận và lập kế hoạch bước đầu xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho một số lĩnh vực của ngành giao thông vận tải, trước hết áp dụng cho hệ thống đường ôtô cao tốc, đường ôtô liên tỉnh và giao thông đô thị với những tiêu chí sau đây:
- Hiện đại, phù hợp với đặc điểm, quy mô và lộ trình phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, công nghệ tiên tiến, đảm bảo tính phổ cập, tính mở, khả năng kết nối liên thông, thuận tiện cho việc nâng cấp, phát triển trong tương lai.
- Đảm bảo khả năng thống nhất quản lý điều hành mạng lưới giao thông trong phạm vi toàn quốc đồng thời có thể tương hợp, liên thông được với các quốc gia trong khu vực.
- Kinh phí đầu tư hợp lý, thuận tiện khai thác, thân thiện môi trường, có thể tiếp nhận thiết bị từ nhiều nhà cung cấp.
Lộ trình xây dựng Hệ thống giao thông thông minh (ITS) ở Việt Nam dự kiến được tiến hành theo 3 giai đoạn trong khoảng từ 2010 đến 2030 theo nguyên tắc từ việc ứng dụng các dịch vụ thiết yếu ở giai đoạn đầu đến hoàn thiện dần ở các giai đoạn tiếp sau.
Trong diễn đàn này chúng ta cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mỗi nước về các vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển hệ thống giao thông thông minh trong giao thông vận tải và đời sống xã hội cũng như thống nhất những giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải mỗi nước.
Nhân dịp này, thay mặt Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, tôi xin cảm ơn Bộ Đất đai, Giao thông vận tải và Hàng hải Hàn Quốc và Ban Tổ chức Diễn đàn quốc tế về Hệ thống giao thông thông minh lần thứ 17 cùng với các đồng nghiệp các nước khác đã quan tâm, tài trợ và hợp tác cùng chúng tôi trong việc xây dựng và phát triển hệ thống giao thông vận tải nói chung và Hệ thống giao thông thông minh nói riêng ở Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định lại nỗ lực của ngành GTVT Việt Nam trong việc thúc đẩy việc hợp tác nêu trên ngày càng toàn diện và có hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn!

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:102533
Lượt truy cập: 175.652.511